Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Ra mắt búp bê Barbie mù đầu tiên

Theo CNN ngày 23/7, công ty Mattel hợp tác các tổ chức từ thiện như Quỹ khiếm thị Mỹ (AFB) và Viện Hoàng gia Quốc gia về người mù Anh (RNIB) để đảm bảo sản phẩm mới phản ánh chính xác đặc điểm của người khiếm thị ngoài đời. Nhà sản xuất thiết kế mắt búp bê có ánh nhìn “lên cao và hướng ra ngoài”, trang bị thêm gậy dò đường và kính bảo hộ. Quần áo của búp bê cũng được may bằng loại vải gồ ghề giúp trẻ cảm nhận rõ chất liệu.

Sản phẩm Barbie mù đầu tiên của Mattel. Ảnh: PA Wire

Sản phẩm Barbie mù đầu tiên của Mattel. Ảnh: PA Wire

Trong bài phỏng vấn với CNN, bà Debbie Miller – giám đốc tư vấn và hỗ trợ khách hàng tại RNIB – cho rằng Barbie mang lại niềm vui cho trẻ nhỏ khi giúp chúng khám phá và nhìn nhận thế giới qua cách chơi. Bà cũng hài lòng về các chi tiết, phụ kiện trong mẫu mới. “Thật tuyệt khi nghĩ đến việc trẻ khiếm thị có thể chơi cùng món đồ chơi có vẻ ngoài giống các em”, Miller nói thêm.

Lucy Edward – phát thanh viên khiếm thị kiêm nhà hoạt động vì người khuyết tật – là đại sứ của dòng Barbie mới. Trên Instagram, cô viết: “Từ khi còn nhỏ, tôi đã mong chờ khoảnh khắc thương hiệu búp bê phổ biến nhất thế giới sản xuất một phiên bản như tôi”.

Lucy Edward chụp hình cùng búp bê Barbie. Ảnh: PA Wire

Lucy Edward chụp hình cùng búp bê Barbie. Ảnh: PA Wire

CNN cho biết sau nhiều năm bị chỉ trích sản xuất đồ chơi theo tiêu chuẩn sắc đẹp phi thực tế, hãng Mattel bắt đầu ra mắt những dòng Barbie đa dạng hình thể từ năm 2016. Chiến dịch mới đã cứu nguy doanh thu bán hàng suy giảm lúc đó.

Ba năm sau, công ty tung ra thị trường các mẫu búp bê kèm máy trợ thính, chân giả, xe lăn đại diện nhóm người khuyết tật, đồng thời xếp chúng vào dòng Fashionistas. Hãng cũng mô phỏng làn da bị bạch tạng và một số khiếm khuyết cơ thể khác. Tính đến 2023, dòng Fashionistas có tổng cộng 175 kiểu với nhiều màu da, kiểu tóc, dáng người khác nhau.

Theo Forbes, ý tưởng này góp phần nuôi dưỡng góc nhìn đa chiều của trẻ nhỏ về thời trang và vẻ đẹp con người, giúp các em mở rộng tầm nhìn về sự đa dạng của thế giới xung quanh thông qua trí tưởng tượng và đồ chơi.

Bên cạnh Barbie mù, Mattel sẽ trình làng Barbie da đen mắc hội chứng Down. Tháng 4/2023, hãng đã ra mắt phiên bản Barbie da trắng bị Down đầu tiên với mục tiêu đa dạng hóa hình tượng. Theo Krista Berger – phó chủ tịch cấp cao kiêm giám đốc toàn cầu của hãng, Barbie không chỉ là đồ chơi mà còn đại diện cho sự thể hiện bản thân và cảm giác thuộc về một cộng đồng.

Ra đời vào năm 1959, Barbie trở thành một trong những món đồ chơi ăn khách mọi thời. Ruth Handle – mẹ đẻ của sản phẩm – đã sáng tạo chúng sau khi thấy con gái chơi búp bê bằng giấy có dáng phụ nữ trưởng thành. Trong năm đầu tiên, chúng trở thành mặt hàng phổ biến với khoảng 300.000 mẫu được bán. Thời đó, thị trường không có nhiều mẫu để giúp các bé gái chơi trò nhập vai hoặc thử làm mẹ.

Phương Thảo (theo CNN)



Leave a Comment

0.0/5