Hiện vật do Bảo tàng tỉnh Bình Định lưu giữ, bảo quản, trưng bày từ năm 1999. Hồi đầu năm, hai bức tượng được Thủ tướng ký quyết định công nhận là bảo vật quốc gia.
Ông Bùi Tĩnh – Giám đốc bảo tàng – cho biết tượng được phát hiện năm 1992 tại thôn Bả Canh, xã Nhơn Hậu, tỉnh Bình Định, gần vị trí tháp Cánh Tiên trong khu vực thành Đồ Bàn – kinh đô vương quốc Champa xưa. Sau đó, chúng được đưa về Trung tâm Văn hóa – Thông tin huyện An Nhơn (nay là Trung tâm Văn hóa – Thông tin – Thể thao thị xã An Nhơn) quản lý.
Hồ sơ của Cục Di sản Văn hóa cho biết hai tượng được tạc như nhau, đều mang giống đực, cùng nặng khoảng 700 kg, cao 1,05 m, rộng 1,2 m, lưng rộng nhất 0,6 m, đứng trên một bệ hình chữ nhật, thường đặt hai bên cửa ra vào đền, tháp Champa. Chất liệu là sa thạch, loại đá có độ mịn cao, đủ cứng để đục chạm điêu khắc và đảm bảo độ bền vượt thời gian.
Hiện con sư tử thứ nhất chỉ còn tai trái, tai phải giữ được một phần ba, đuôi đã mất. Tượng còn lại bị vỡ hai chân trước và tai phải, tai trái mất một ít, đùi và thân bên phải bị nứt, bệ không còn.
Sư tử có tư thế nằm và chống hai chân lên trước, đầu ngẩng cao, phần mông hơi đẩy về phía sau, ngực ưỡn thẳng, thân tròn, hơi bè ngang. Phần miệng của con vật há rộng, hàm răng sắc nhọn với 11 chiếc, răng nanh chìa hai bên. Mũi to, thô, hai mắt nhô lên. Tai được tạo tác cách điệu như chiếc lá tròn nhọn đầu, hai đường mép ngoài uốn cong xoắn vào giữa lỗ tai. Trán sư tử trang trí hoa văn hai lớp, dưới là hạt chấm tròn kết dải, giữa tạc họa tiết hình lá đề, bên trong có vòng tròn nhỏ.
Phần cổ ngắn, đeo hai chuỗi lục lạc. Chuỗi bên trong giống cánh sen, bên ngoài tựa quả chuông. Bốn chân sư tử ngắn, mập. Cổ chân được đeo vòng trang trí tạo bởi các hạt tròn kết dải. Bàn chân của tượng thứ nhất có ba ngón vuốt nhọn, tượng còn lại có hai ngón.
Theo Cục Di sản Văn hóa, hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn là hiện vật gốc độc bản, đại diện cho một phong cách điêu khắc Champa.
Trong một bài viết, phó giáo sư, tiến sĩ Ngô Văn Doanh chỉ ra bảo vật thuộc thời kỳ khởi đầu của phong cách Tháp Mẫm, kế thừa phát triển từ phong cách Đồng Dương, Trà Kiệu và Chánh Lộ. Chúng có niên đại ở cuối thế kỷ 11, đầu thế kỷ 12. ”Phía trên bắp đùi bốn chân của con vật được trang trí những chiếc lá dài, nhọn đầu, tung bay như những ngọn lửa, kiểu trang trí phổ biến và được cách điệu cao trên mình các con sư tử của phong cách Tháp Mẫm”, ông Ngô Văn Doanh viết.
Thông tin từ Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng, Tháp Mẫm là một di tích Chăm đã đổ nát, nằm ở xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Các hiện vật thu được từ di tích sau cuộc khai quật năm 1934 mang đặc điểm chung là tính phức tạp, tỉ mỉ, ít vẻ mềm mại, linh hoạt. Sau giai đoạn Tháp Mẫm, nghệ thuật điêu khắc Chăm dần suy thoái.
Học giả người Pháp Jean Boisserlier từng có công trình nghiên cứu La Statuaire du Champa (Nghệ thuật tạc tượng của nước Champa). Trong đó, ông nhận xét về phong cách tạc tượng Tháp Mẫm: ”Tượng động vật trong phong cách Tháp Mẫm hầu hết có kích thước lớn, được trang trí triệt để, không còn một chỗ nào để trống. Trông đầy tinh nghịch. Mặt mày làm ra bộ dữ dằn…”.
Ở cuốn Thành cổ Champa, phó giáo sư, tiến sĩ Ngô Văn Doanh nhắc về tư thế nằm của hai con vật. Do nghệ nhân tạc hai chân trước quá ngắn, mất cân đối dễ tạo liên tưởng chúng đang nửa nằm, nửa đứng. Chính tư thế này khiến bảo vật khác biệt với những tượng sư tử Champa đã được tìm thấy. Ông Bùi Tĩnh – giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định – nhận xét hai bức tượng có bố cục hoàn chỉnh, là loại hình điêu khắc độc đáo, có tính mỹ thuật cao.
Phương Linh