Theo The Daily Caller, chương trình không còn hiển thị trên tài khoản YouTube của ban tổ chức. Trong khi đó, sự kiện mở màn các kỳ Olympic Nagano 1998, Bắc Kinh 2008, London 2012, Rio 2016 vẫn xem được. Ban tổ chức chưa lên tiếng giải thích việc video buổi lễ khai mạc năm nay bị ẩn, chặn hay là xóa.
Chủ đề liên quan việc “video khai mạc Olympic biến mất” gây chú ý ở các mạng xã hội trên thế giới như X, hay thu hút hơn 500 triệu lượt xem trên mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc – Weibo.
Hàng loạt khán giả chỉ trích nhiều tiết mục ở chương trình, gọi đây là lễ khai mạc “tồi tệ nhất trong lịch sử Olympic”. Màn diễn bị phản đối nhiều nhất là Festivity, có cảnh vũ công nam sơn người màu xanh, chỉ mặc nội y dưới, nằm bên cạnh mâm đồ ăn. Tiết mục được cho là mô phỏng bức tranh nổi tiếng The Last Supper (Bữa tối cuối cùng) của danh họa Leonardo da Vinci, mô tả bữa ăn cuối của Chúa Jesus với các tông đồ trước khi bị đóng đinh. Cử chỉ, cách ăn mặc của vũ công bị nhiều khán giả nhận xét là “xúc phạm tín ngưỡng”.
Tỷ phú Elon Musk viết trên X về màn diễn: “Vô cùng thiếu tôn trọng những người theo đạo Thiên chúa”. Ngoài Festivity, lễ khai mạc bị nhiều người nhận xét quá táo bạo, phóng đãng. Một số hình ảnh, trong đó có ảnh vũ công nam lộ bộ phận sinh dục do trang phục quá ngắn, lan truyền trên mạng xã hội.
Không ít người cho rằng chương trình còn có nội dung hàm ý “quan hệ ba người”. Ba vũ công mặc trang phục sặc sỡ, hôn và ôm nhau, sau đó một vũ công làm động tác đóng cửa. Theo Zaobao, khi phát trực tiếp lễ khai mạc tối 26/7 tại Trung Quốc, MC chương trình im lặng, không bình luận gì về cảnh này.
Những người phản đối cho rằng các tiết mục trên vấy bẩn sự kiện thể thao lành mạnh, đi ngược tinh thần đoàn kết, hòa bình. Công ty công nghệ và viễn thông C Spire, trụ sở ở Mỹ, thông báo rút toàn bộ quảng cáo do không đồng tình với một phần nội dung lễ khai mạc.
Theo Deadline, trước các ý kiến cho rằng tiết mục “bất kính với tôn giáo”, ông Thomas Jolly – giám đốc nghệ thuật của lễ khai mạc – cho biết ý tưởng biểu diễn không liên quan họa phẩm The Last Supper. Thông điệp của chương trình là sự hòa nhập, đa dạng. Ông Thomas Jolly nói Pháp là đất nước tự do, mọi người có quyền tự do sáng tạo nghệ thuật.
Lễ khai mạc dài ba tiếng với 10 chương, ban tổ chức đưa nhiều nét văn hóa, nghệ thuật của nước chủ nhà đan xen các nghi thức diễu hành, châm đuốc. Trong chương ba mang tên Tự do, các nghệ sĩ tái hiện vở kịch Những người khốn khổ, chuyển thể từ tiểu thuyết của Victor Hugo.
Một trong điểm nhấn ở buổi lễ là phần trình diễn của danh ca Celine Dion. Nhiều khán giả cho biết xúc động khi cô trở lại sau hai năm chữa hội chứng “người cứng”, phải hủy bỏ mọi buổi biểu diễn.
Sự kiện diễn ra trên sông Seine, quy tụ 3.500 diễn viên, vũ công và ca sĩ. 160 chiếc tàu thủy, trong đó 94 chiếc chở theo 10.500 vận động viên, diễu hành dọc theo 6 km sông. Những người biểu diễn cùng các thành viên đoàn ở trên những chiếc thuyền còn lại, còn khán giả được bố trí ngồi hai bên bờ sông. Tờ báo Anh The Guardian nhận xét ban tổ chức cố gắng trộn lẫn quá nhiều tiết mục. Thông thường, chương trình nghệ thuật chỉ kéo dài khoảng 45 phút đến một tiếng.
Ban tổ chức phát hành 326.000 vé xem lễ khai mạc cho những chỗ ngồi hai bên bờ sông, trong đó hơn 100.000 vé tính phí. Chương trình cũng bố trí 80 màn hình lớn để khán giả tiện theo dõi từ những vị trí khác.
Như Anh