Theo tạp chí ARTnews, đại diện chính phủ Việt Nam, Thái Lan và Campuchia đã gửi thư đến bảo tàng vào tháng 5 và tháng 6, yêu cầu điều tra tám cổ vật không có giấy phép hợp pháp. Bảo tàng Denver nắm giữ hơn 200 món cổ vật của một số nước Đông Nam Á.
Ngày 23/8, Cục Di sản văn hóa cho biết thêm căn cứ theo hồ sơ của Cơ quan Điều tra an ninh nội địa Mỹ (HIS), thuộc Bộ An ninh nội địa Mỹ, kết hợp quá trình làm việc với các chuyên gia, Cục hiện xác định danh tính, nguồn gốc bốn cổ vật Bảo tàng Denver đang giữ.
Các hiện vật này gồm: Dao găm đồng, cán hình người, văn hóa Đông Sơn, Việt Nam (chất liệu bằng đồng, dài 23 cm, niên đại cách nay từ 2.500 đến 2.000 năm); Carved Crystal – Seal (trang sức đá thạch anh, khắc chìm hình thần Shiva), thuộc văn hóa Champa (chất liệu bằng thạch anh, niên đại thế kỷ III-V); tượng Guanyin (tượng Quan Âm), chất liệu bằng gỗ sơn thếp vàng, niên đại thế kỷ XVIII-XIX; Tomb Sculpture (nhạc công Ginang đánh trống), thuộc văn hóa Champa (chất liệu bằng đá, niên đại thế kỷ XIX, hiện vật này có khả năng giả cổ).
Theo Cục, Cơ quan Điều tra An ninh nội địa Mỹ đang khẩn trương thúc đẩy quá trình hoàn tất thủ tục, tiến hành các bước hoàn trả cổ vật cho Việt Nam.
Hồi tháng 3, người phát ngôn của bảo tàng Denver, Kristy Bassuener, cho biết đang làm việc với chính phủ Mỹ để đảm bảo việc trả cổ vật về đúng cho các nước. Họ điều tra để đảm bảo tính xác thực, nguồn gốc từng món.
Trong số tám cổ vật, sáu món do Emma C. Bunker, cựu cố vấn nghiên cứu của Bảo tàng Nghệ thuật Denver, tặng cho bảo tàng. Trong đó, tượng Phật bằng đồng mạ vàng từ thế kỷ 19 được Bunker mua lại từ người đàn ông tên Jonathan Tucker năm 2012. Bunker và Tucker mua bán nhiều món đồ với Douglas Latchford – người chơi nghệ thuật, sưu tầm đồ cổ khắp thế giới.
Theo tờ Denver Post, Latchford buôn bán trái phép nhiều thập niên, nhằm hợp pháp hóa các cổ vật Khmer. Bunker và Latchford thường giả mạo chữ ký trong quá trình buôn bán, tạo xuất xứ giả cho các cổ vật. Latchford đã sử dụng Bảo tàng Nghệ thuật Denver như nơi che đậy các món hàng không rõ nguồn gốc nhằm đánh bóng tên tuổi.
Vào tháng 3, bảo tàng đã gỡ tên Emma Bunker khỏi bảng trưng bày và trả lại 185.000 USD mà bà và gia đình quyên góp. Bảo tàng cũng chấm dứt hoạt động của quỹ mua sắm nghệ thuật châu Á tưởng nhớ Emma Bunker, được lập sau khi bà qua đời năm 2021.
Ngày 18/11/2022, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tiếp nhận 10 cổ vật do Mỹ trao trả Việt Nam, gồm: Một rìu đá Hậu kỳ đá mới, bốn hiện vật văn hóa Đông Sơn, ba tượng cá sấu đá, hai tẩu đồng.
Bộ Tư pháp Mỹ đã thúc đẩy việc hoàn trả nhiều cổ vật trong những năm gần đây. Theo báo Khmer Times, năm 2021 Campuchia cũng đã nhận lại năm món đồ tạo tác bằng đá và đồng từ Latchford. Năm ngoái, Mỹ cũng trả lại Campuchia 30 cổ vật.
Bảo tàng Nghệ thuật Denver là một trong những bảo tàng lớn nhất thế giới. Được thành lập năm 1893, nơi này trưng bày hơn 70.000 tác phẩm cổ vật và nghệ thuật, trong đó có hơn 6.000 tác phẩm lưu lại quá trình phát triển của châu Á và châu Mỹ. Công trình do kiến trúc sư người Mỹ gốc Ba Lan Daniel Libeskind thiết kế. Đây không chỉ là nơi lưu giữ dấu tích lịch sử mà còn là địa điểm tham quan nổi tiếng của nước Mỹ.
Hà Thu – Quỳnh Như (theo ARTnews)