Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

‘Cha đẻ’ phòng chống đột quỵ đến Việt Nam





Giáo sư Valery Feigin nằm trong số những nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới. Ảnh: Việt Hùng

Giáo sư Valery Feigin nằm trong số những nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới, có mặt tại Hà Nội chiều 3/12. Ảnh: Việt Hùng

Chiều 3/12, Giáo sư Valery Feigin, 70 tuổi đến Hà Nội với tư cách là diễn giả tại phiên tọa đàm “Khoa học vì Cuộc sống” diễn ra ngày 5/12. Ông là giám đốc Viện đột quỵ và khoa học thần kinh ứng dụng quốc gia (NISAN) thuộc Đại học Công nghệ Auckland, viện nghiên cứu duy nhất chuyên về dịch tễ học và phòng ngừa rối loạn thần kinh ở New Zealand. Ông là người tiên phong phía sau những phát triển quốc tế trong lĩnh vực tai biến mạch máu não và dịch tễ học.

Giáo sư Valery Feigin là tác giả của một trong những nghiên cứu lớn nhất thế giới về đột quỵ, bệnh tim, tiểu đường và suy giảm trí nhớ thông qua ứng dụng “Stroke Riskometer”. Ứng dụng được phát triển từ năm 2014, cho phép người sử dụng đánh giá nguy cơ đột quỵ của cá nhân trên điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng, đồng thời đánh giá những yếu tố lối sống để ngăn ngừa đột quỵ, bệnh tim mạch và suy giảm trí nhớ. Khi xem xét tổng hợp, dữ liệu có thể cung cấp hiểu biết chưa từng có về một số bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất thế giới.

Đến Việt Nam lần này Giáo sư Valery Feigin cho biết sẽ chia sẻ sáng kiến mà ông và nhóm nghiên cứu đã thực hiện trong 10 năm qua về việc sử dụng hệ thống dữ liệu sức khỏe trong dự đoán nguy cơ bệnh đột quỵ cũng như những bằng chứng mới nhất về hiệu quả của nó.

Giáo sư Feigin bắt đầu sự nghiệp như một nhà thần kinh học nhưng chuyển trọng tâm sang nghiên cứu sau khi một trận đột quỵ cướp đi mạng sống của cha ông. “Cái chết do đột quỵ của cha tôi là cú sốc lớn đối với tôi và gia đình. Ông là giáo sư ở Trường y Novosibirsk tại Nga, một giáo viên cần mẫn và tài năng đang ở đỉnh cao của sự nghiệp. Ông rất khỏe khoắn và chỉ có vài yếu tố rủi ro tim mạch. Khi cha tôi bị đột quỵ, tôi tự hỏi bản thân ‘Tại sao?’. Chính cái chết của ông đã thôi thúc tôi nghiên cứu đột quỵ và cách ngăn chặn bệnh”, Feigin chia sẻ.

Lev, cha của giáo sư Feigin, dường như có rất ít nguy cơ rõ ràng. “Ông tương đối trẻ, 50 tuổi, nhìn chung khỏe mạnh, chỉ hơi thừa cân. Ông hút thuốc và yếu tố rủi ro quan trọng nhất là huyết áp cao”. Hồi đó, khoảng nửa thế kỷ trước, thế giới chưa có giải pháp để ngăn chặn đột quỵ, ngay cả khi đây là căn bệnh khiến nhiều người chết.

Giáo sư Feigin đã góp phần thay đổi điều đó và giành nhiều giải thưởng danh giá cho nghiên cứu đột quỵ bắt nguồn từ cái chết của cha ông. Trong hơn 4 thập kỷ, nghiên cứu của giáo sư Feigin và cộng sự giúp xác định đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong và tàn tật lớn thứ hai trên thế giới. Kết quả nghiên cứu cũng chứng minh những biện pháp ngăn chặn cơ bản chưa đủ hiệu quả do thường nhắm vào người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao. “Nhưng vấn đề là phần lớn ca đột quỵ và đau tim xảy ra ở người có nguy cơ từ thấp tới trung bình. 80% người bị đột quỵ không có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao”, giáo sư Feigin cho biết.

Một hiểu lầm lớn khác là đột quỵ không chỉ là bệnh ở người già, dữ liệu cho thấy ngày càng nhiều người nhỏ hơn 65 tuổi bị đột quỵ. Do đây là kết quả từ các yếu tố liên quan tới lối sống, giáo sư Feigin cho rằng chúng ta có thể kiểm soát rủi ro ngay từ nhận thức. “Trước khi có nguy cơ đột quỵ cao hơn về cuối đời, chúng ta có khả năng hạ thấp nguy cơ. Đó là lý do người trẻ cần biết các nguy cơ đột quỵ và có thể giảm bớt thông qua điều chỉnh chế độ ăn và lối sống”, giáo sư Feigin nhấn mạnh.





Giáo sư Valery Feigin nằm trong số những nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới. Ảnh: Royal Society

Giáo sư Valery Feigin nằm trong số những nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới. Ảnh: Royal Society

Ứng dụng di động miễn phí Stroke Riskometer mà nhóm của giáo sư Feigin phát triển cung cấp giao diện hoàn hảo để truyền tải thông tin sức khỏe về đột quỵ, yếu tố rủi ro và cách kiểm soát chúng. Theo giáo sư Feigin, 4 tỷ người trên thế giới sống với mức thu nhập 5,5 USD/ngày. Họ không có khả năng tiếp cận cơ sở chăm sóc sức khỏe, do đó Stroke Riskometer có thể là nguồn thông tin đáng tin cậy về đột quỵ và các rủi ro đi kèm.

Sinh ra và lớn lên ở thành phố Novosibirsk thuộc vùng Siberia, gần biên giới giữa Nga với Kazakhstan và Mông Cổ, giáo sư Feigin chọn theo ngành y khoa và nối gót cha, một giáo sư ở trường y của thành phố. Luôn say mê tìm hiểu về bộ não, ông trải qua thời gian ngắn đào tạo làm nhà tâm thần học trước khi quyết định chuyển sang ngành thần kinh học. Sau khi tốt nghiệp trường y Novosibirsk, Nga, giáo sư Feigin chuyển từ Moskva tới bệnh viện Mayo Clinic ở Mỹ và Đại học Erasmus ở Hà Lan để đào tạo nâng cao về thần kinh học và nghiên cứu dịch tễ lâm sàng.

Kết thúc thực tập vào năm 1985, giáo sư Feigin đảm nhận vị trí nghiên cứu ở Viện nội khoa SB RAMS tại Novosibirsk và trở thành trưởng khoa Bệnh mạch máu não. Nhưng nghiên cứu của ông hầu như không được biết đến cho tới năm 1989, khi ông được mời làm chủ tọa và diễn giả ở hội nghị của Hiệp hội đột quỵ quốc tế tại Kyoto, Nhật Bản. “Họ chỉ mời hai người từ Liên Xô. Vì lý do nào đó, họ chọn tôi và một giáo sư đến từ Latvia. Nhưng tôi là người duy nhất đến từ Nga”, giáo sư Feigin bật cười khi kể lại.

Trong suốt sự nghiệp của mình, giáo sư Feigin là tác giả hoặc đồng tác giả của hơn 850 ấn bản học thuật (bao gồm hơn 440 bài báo trên tạp chí, trong đó có 109 bài báo trên tạp chí The Lancet), 12 sổ tay, 26 cuốn sách, 4 bằng sáng chế. Học thức uyên bác của giáo sư Feigin trong lĩnh vực thần kinh học và dịch tễ học được công nhận trên khắp thế giới. Theo Web of Science, Valery Feigin là một trong số 1% nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất thế giới ở mọi lĩnh vực khoa học trong năm 2018, 2020, 2021 và 2022. Chỉ riêng từ năm 2021 đến năm 2022, tỷ lệ trích dẫn của ông là 15 phút một lần và ngày càng tăng.

An Khang



Leave a Comment

0.0/5