Chương trình tái giới thiệu báo săn ở Ấn Độ sau 75 năm gây tranh cãi sau khi 3 con báo chết trong những tuần gần đây, dấy lên lo ngại môi trường sống mới của chúng không phù hợp. Báo săn tuyệt chủng ở Ấn Độ vào năm 1952. Từ tháng 10/2022, 20 con báo săn được chuyển từ Nam Phi và Namibia tới đây trong chương trình của chính phủ và sống ở vườn quốc gia Kuno thuộc bang Madhya Pradesh, theo Guardian.
8 con báo săn đầu tiên tới nơi và được chính thủ tướng Narendra Modi thả vào khu chuồng nhỏ có hàng rào trong ngày sinh nhật lần thứ 72 của ông. Từ sau đó, 12 con báo săn châu Phi còn lại lần lượt tới Ấn Độ bằng máy bay. Kế hoạch của chính phủ là thả tổng cộng 50 con báo săn trong 5 – 10 năm tới.
Tuy nhiên, chương trình vấp phải sự chỉ trích của nhiều chuyên gia bảo tồn và động vật hoang dã. Họ cho rằng vườn quốc gia Kuno không phải môi trường sống phù hợp cho nhiều con báo săn như vậy. Loài vật này thường lang thang trên lãnh thổ rộng hàng nghìn kilomet vuông. Ở Kuno, lãnh thổ của chúng chưa đến 1.295 km2.
Mối lo ngại càng dâng cao trong vài tuần gần đây sau cái chết của 3 con báo săn nuôi nhốt ở khu chuồng bên trong vườn quốc gia Kuno, chỉ vài tháng sau khi tới Ấn Độ. Con báo đực tên Sasha chết do mắc bệnh từ trước vào tháng 3, một con khác chết hồi tháng 4. Báo cái tên Daksha chết trong tháng 5 do màn giao phối bạo lực sau khi bị đưa vào chuồng cùng hai con đực khác.
Trong phiên điều trần tại tòa án tối cao tuần trước, hội đồng thẩm phán kết luận vườn quốc gia Kuno không phải nơi ở thích hợp cho hàng chục con báo săn châu Phi. Mật độ báo săn ở cùng một chỗ quá cao. Họ đề nghị chuyển một số con báo săn tới bang khác như Rajasthan. Các nhà khoa học Ấn Độ chỉ đạo chương trình tái giới thiệu nhấn mạnh tỷ lệ tử vong nằm trong dự kiến và không phải là dấu hiệu dự án thất bại. Họ cho biết 4 con báo săn non đã chào đời từ khi dự án bắt đầu.
Đối với các chuyên gia chỉ trích thí nghiệm tái giới thiệu, kết luận của tòa án tối cao được đưa ra quá trễ. Họ cũng lo ngại Ấn Độ thiếu kinh nghiệm chăm sóc đầy đủ đàn báo săn, đặc biệt khi chúng bị nuôi nhốt lâu như vậy. Tính đến nay, mới chỉ có 3 con mèo lớn được thả vào vườn quốc gia, 17 con còn lại vẫn sống trong chuồng.
Ravi Chellam, điều phối viên của tổ chức Biodiversity Collaborative, gọi chương trình là “một dự án phù phiếm” và tạo ra “công viên safari hào nhoáng” không liên quan tới bảo tồn, có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của những con báo. “Tại sao đàn báo săn lại bị nuôi nhốt lâu như vậy? Tại sao họ mang hơn 20 con báo săn từ châu Phi đến nếu vườn quốc gia chỉ chứa được 8 – 10 con? Chúng ta đang cố gắng đạt được gì ở đây?”
Đáp lại kết luận của tòa án tối cao, đại diện chính phủ cho biết một lực lượng đặc nhiệm đang điều tra cái chết của những con báo săn và nghiên cứu các nơi ở khác có thể chứa một số cá thể.
An Khang (Theo Guardian)