Với phát hiện mới, giới nghiên cứu hiện nay đã thu được mẫu vật hổ phách từ mọi châu lục, đồng thời họ có thể tìm hiểu thêm thông tin về những khu rừng Nam Cực, từng có khủng long sinh sống, theo nghiên cứu công bố hôm 12/11 trên tạp chí Antarctic Science. Nồng độ carbon dioxide trong khí quyển rất cao ở kỷ Phấn Trắng, khiến thế giới trở nên ấm hơn. Ngoài ra, sự thiếu vắng Hải lưu vòng Nam Cực có nghĩa chênh lệch khí hậu lớn hơn ở Nam Cực, cho phép nhiều khu rừng rộng lớn mọc lên ở đó, trở thành nơi sinh sống của cả khủng long và động vật có vú.
Tuy nhiên, các nhà khoa học không biết nhiều về bản chất của các khu rừng này và động vật sống trong rừng bởi rất khó tiếp cận tầng chứa hóa thạch. Một phương pháp là khoan đáy biển ngoài khơi Nam Cực và nhóm nghiên cứu đứng đầu là tiến sĩ Johann Klages ở Viện Alfred Wegener khoan ngoài đảo Pine ở biển Amundsen. Bên trong lớp lignite (than đá ẩm) dày 5 cm, nhóm nghiên cứu tìm thấy các mẩu nhựa cây cứng lại gọi là hổ phách. Dựa trên niên đại và thành phần của lignite, loại hổ phách này ước tính 83 – 92 triệu năm tuổi và đến từ khu rừng đầm lầy bao gồm chủ yếu là cây thông.
Nhiều loài cây tiết ra nhựa khi vỏ cây bị phá hủy. Một số loại nhựa cây, đặc biệt là cây thông, hóa thạch trong điều kiện phù hợp, lưu giữ côn trùng, lông và đuôi khủng long. Giới nghiên cứu từng thu được hóa thạch hổ phách từ cùng thời kỳ ở miền nam Australia, khi đó vẫn còn gắn liền với Nam Cực. Nằm ở gần 74 độ vĩ nam và 107 độ kinh tây, phát hiện mới là mẫu hổ phách xa nhất về phía nam từng được phát hiện.
“Phân tích các mẩu hổ phách sẽ cho phép tìm hiểu trực tiếp điều kiện môi trường phổ biến ở Tây Nam Cực cách đây 90 triệu năm”, Klages cho biết. “Mục tiêu của chúng tôi hiện nay là tìm hiểu nhiều hơn về hệ sinh thái rừng”.
Nhóm nghiên cứu nghiền nhỏ lignite để phân tích và những mẩu hổ phách còn sót lại rất nhỏ, chỉ rộng cỡ 0,5 – 1 mm, vì vậy khả năng tìm thấy bất kỳ dạng sống nào được bảo quản nguyên vẹn bên trong rất mong manh. Tuy nhiên, các chuyên gia phát hiện nhiều mảnh vỏ cây cực nhỏ bên trong mẩu hổ phách. Theo nhóm của Klages, nhựa cây có thể chảy ra trong đám cháy rừng, được lưu giữ khi nước bao phủ khu vực và bảo vệ nó khỏi tia cực tím. Việc mẩu hổ phách tồn tại và vẫn giữ nguyên độ trong suốt chứng tỏ nó chưa bao giờ bị chôn vùi ở độ sâu lớn và nung nóng cho tới khi tan chảy một phần. Vị trí phát hiện thúc đẩy nhóm nghiên cứu tạo ra danh mục mới là hổ phách đảo Pine.
An Khang (Theo IFL Science)