Tại Olympic Paris 2024, các vận động viên từ 206 đoàn sẽ tranh tài ở hơn 300 nội dung. Vậy nội dung nào đốt cháy nhiều calo nhất? Có hai cách trả lời, tùy theo tổng năng lượng tiêu tốn trong toàn bộ nội dung và mức năng lượng lớn nhất tiêu thụ trong quá trình thực hiện một thử thách nhất định.
Các nhà nghiên cứu thường định nghĩa chi phí năng lượng của một hoạt động là lượng calo trên mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi giờ (kcal/kg/giờ). Như vậy, nếu một hoạt động tiêu tốn 2 kcal/kg/giờ thì một người trung bình nặng khoảng 84 kg sẽ đốt cháy 168 kcal nếu tập luyện trong một giờ.
Tuy nhiên, không phải ai cũng giống nhau. Với cùng hoạt động, một số người sẽ sử dụng ít năng lượng hơn, trong khi người với trọng lượng cơ thể gồm nhiều tế bào chất béo hơn thường đốt nhiều năng lượng hơn. Trung bình, một người lớn khi nghỉ ngơi sẽ tiêu thụ 1 kcal/kg/giờ và bất cứ hoạt động nào cần hơn 6 kcal/kg/giờ đều được xếp loại “mạnh – cường độ cao” theo cuốn Physical Activity Guidelines for Americans (Hướng dẫn Hoạt động Thể chất cho Người Mỹ).
Tại Olympic năm nay, các môn chạy sẽ đốt cháy nhiều calo nhất trên mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi giờ. Tăng tốc đòi hỏi mức năng lượng lớn hơn nhiều so với chạy giữ nguyên tốc độ. Vì vậy, những nội dung như chạy 100 m – trong đó vận động viên tăng tốc từ 0 đến 5 m/giây trong vòng chưa đầy một giây – sẽ tiêu tốn một lượng lớn calo trong thời gian ngắn. Pietro di Prampero, giáo sư sinh lý học tại Đại học Udine, Italy, tính toán rằng trong 0,85 giây đầu tiên của lần chạy nước rút 100 m lập kỷ lục thế giới của Usain Bolt, anh đã đốt cháy 91,2 kcal/kg/giờ.
“Về sức mạnh trao đổi chất, tất nhiên, nội dung đòi hỏi cao nhất trong các nội dung chạy là 100 m. Nhưng về tổng năng lượng, nếu bạn chạy marathon, mức năng lượng tiêu thụ sẽ cao hơn nhiều”, di Prampero nói.
Mỗi km chạy với tốc độ ổn định, vận động viên thường đốt cháy 1 kcal trên mỗi kg trọng lượng cơ thể. Con số này không phụ thuộc vào tốc độ, do đó, chạy marathon sẽ đốt cháy 42 kcal/kg. Người giành huy chương vàng marathon nam tại Olympic Tokyo 2020, Eliud Kipchoge đến từ Kenya, nặng khoảng 52 kg và đốt cháy 2.339 kcal khi về đến đích. Thời gian chạy là 2 giờ 8 phút, tương đương khoảng 21 kcal/kg/giờ.
Theo Compendium of Physical Activities, một bản đánh giá sâu rộng dựa trên dữ liệu tổng hợp từ hàng trăm nghiên cứu để ước tính chi phí năng lượng, những nội dung đạp xe nhanh hơn 32 km/h đốt cháy 16,8 kcal/kg/giờ. Chèo thuyền tốc độ cao đốt cháy 15,5 kcal/kg/giờ. Võ thuật tiêu tốn 10,5 kcal/kg/giờ và nhảy trampoline sử dụng 10,3 kcal/kg/giờ.
Với bơi lội, nhu cầu năng lượng thay đổi tùy theo kiểu bơi, kỹ năng của vận động viên và địa điểm thi đấu (bể bơi hay vùng nước thoáng ngoài trời). “Với vận động viên bơi chuyên nghiệp, kiểu bơi đòi hỏi nhiều năng lượng nhất là bơi ếch. Sau đó là bơi bướm, rồi đến bơi ngửa. Kiểu bơi tiết kiệm năng lượng nhất là bơi tự do”, Tiago Barbosa, giáo sư khoa học thể thao tại Viện Bách khoa Braganca, Bồ Đào Nha, chia sẻ.
Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí International Journal of Sports Medicine của Barbosa, chi phí năng lượng khi bơi ếch ở tốc độ 1,6 mét mỗi giây – chậm hơn một chút so với tốc độ của Adam Peaty, vận động viên người Anh giành huy chương vàng nội dung bơi ếch 100 m tại Olympic 2020 – là khoảng 30,4 kcal/kg/giờ.
Các nội dung ở vùng nước thoáng ngoài trời có thể tiêu tốn nhiều năng lượng hơn do vận động viên tiếp xúc với sóng, gió và nhiệt độ lạnh hơn. Barbosa cho biết, vận động viên sẽ tiết kiệm năng lượng hơn nếu bơi drafting – bơi phía sau những người khác để giảm lực cản.
Tuy nhiên, cả di Prampero và Barbosa đều nhấn mạnh rằng những thông số calo này ở mỗi người có thể rất khác nhau. “Đây đều chỉ là ước tính. Tôi đã nói vận động viên chạy Olympic trung bình tiêu thụ khoảng 1 kcal/kg cho mỗi km. Nhưng nếu là người chạy giỏi, bạn có thể tiêu tốn 0,95, hoặc nếu mang đôi giày tốt, có thể chỉ là 0,83. Nếu địa hình ướt, chi phí năng lượng sẽ tăng. Ở cấp độ Olympic, chênh lệch chỉ 0,01 cũng có thể là sự khác biệt giữa có và không có huy chương vàng”, di Prampero nói.
Thu Thảo (Theo Live Science)