Hàng nghìn con cá voi trơn phương nam di chuyển tới vùng biển lặng ở bán đảo Valdés ngoài khơi Argentina mỗi năm để giao phối và sinh con. Loài động vật biển có vú dài tới 17 m này tạo thành một cảnh tượng thu hút, đặc biệt với con non bơi theo sau. Tuy nhiên, trong 50 năm qua, mòng biển tảo bẹ ở bán đảo Valdés thường mổ bất kỳ con cá voi trơn phương nam nào bơi lên mặt nước để hít thở. Chúng ăn lớp da và mỡ xé ra từ lưng cá voi. Trong vài thập kỷ gần đây, vấn đề ngày càng trầm trọng đến mức khiến cá voi da trơn phương nam nhỏ tuổi chết trẻ, theo nghiên cứu công bố hôm 7/6 trên tạp chí Biology Letters.
Dù mòng biển tảo bẹ và nhiều loài chim biển khác thi thoảng ăn thịt tươi (thậm chí nhãn cầu) từ động vật có vú ở biển, nghiên cứu phát hiện số lượng cá voi da trơn phương nam non chết trước sinh nhật đầu tiên tăng lên trong vài chục năm qua, cũng như tần suất và độ nặng của vết thương mà mòng biển gây ra cho chúng. Theo Macarena Agrelo, nhà sinh thái học biển ở Đại học Liên bang Santa Catarina tại Brazil, đồng tác giả nghiên cứu, đó là một thực tế đáng buồn.
Tuy cá voi da trơn phương nam và mòng biển tảo bẹ chung sống cạnh nhau từ lâu, quan hệ của chúng trở nên kỳ quặc vào thập niên 1970. Trước lúc đó, những con chim dường như hài lòng với việc ăn da cá voi bong tự nhiên. Bằng cách nào đấy, mòng biển nhận ra chúng có thể giành được miếng ăn tốt hơn bằng cách nhắm thẳng vào nguồn cung cấp. Từ đó, chúng lưu truyền hiểu biết từ thế hệ này qua thế hệ khác.
“Đòn tấn công rất đau đớn và gây ra tổn thương rộng, sâu, đặc biệt ở lưng con non”, Mariano Sironi, giám đốc khoa học ở Viện Bảo tồn Cá voi Argentina, cho biết. “Dù vài vết mổ khá nhỏ, trong phần lớn trường hợp, những vết thương lớn nhất bao phủ mảng rộng trên lưng cá voi non, có thể dài một mét hoặc hơn”.
Ban đầu, mòng biển tấn công cả cá voi non và con trưởng thành, nhưng theo thời gian, cá voi trưởng thành thay đổi cách ngoi lên mặt nước, uốn cong lưng để chỉ có phần đầu nhô lên. Cá voi non không thể làm được điều này. Đòn tấn công thường xuyên của mòng biển tảo bẹ không chỉ khiến cá voi phương nam non phải chịu vết thương đau đớn mà còn ảnh hưởng tới khả năng ngủ nghỉ của chúng. Kết hợp với áp lực khác, điều đó khiến cá voi non chết sớm.
Sau khi phân tích hàng nghìn lần quan sát và ảnh chụp trên không thu thập từ năm 1970 đến năm 2017, nhóm nghiên cứu nhận thấy số ca bị thương của cá voi da trơn phương nam nhỏ tuổi ở bán đảo Valdés tăng gấp 10 lần trong vòng hai thập kỷ. Cùng kỳ, họ liên hệ tỷ lệ sống sót giảm của cá voi non với những vết thương nặng do mòng biển gây ra.
Từng ở bên bờ vực tuyệt chủng, cá voi da trơn phương nam phục hồi từ khi có lệnh cấm săn bắn vào năm 1935. Tuy nhiên, tương tự mọi loài cá voi ngày nay, quá trình phục hồi bị đe dọa bởi nguồn thức ăn, tình trạng mắc lưới và va chạm với tàu thuyền. Ngoài ra, mòng biển cũng góp phần vào nguyên nhân.
An Khang (Theo NY Times)