Từ Cleopatra đến Razia Sultan, lịch sử ghi nhận nhiều phụ nữ quyền lực. Trong số đó, nữ hoàng Kubaba, người cai trị nền văn minh Sumer ở phía nam Lưỡng Hà khoảng năm 2.500 trước Công nguyên, nhiều khả năng là người phụ nữ đầu tiên lên ngôi vua trong lịch sử cổ đại. Câu chuyện của bà là một mảnh ghép quan trọng giúp giới khoa học hiểu được vai trò của phụ nữ trong các xã hội cổ đại, Ancient Origins hôm 6/5 đưa tin.
Tên của Kubaba xuất hiện trong Danh sách Vua Sumer. Đây cũng là tài liệu lưu trữ bằng văn bản duy nhất về triều đại của bà. Danh sách này liệt kê các vị vua Sumer, ghi lại ngắn gọn thời gian tồn tại của mỗi triều đại và thành bang mà họ trị vì. Trong danh sách này, Kubaba được gọi là lugal (vua), không phải eresh (hoàng hậu). Bà là người phụ nữ duy nhất xuất hiện trong danh sách.
Vấn đề ở đây là Danh sách Vua Sumer không phải là nguồn tài liệu lịch sử hoàn toàn chuẩn xác. Tài liệu này thường xuyên lẫn lộn giữa lịch sử và thần thoại. Ví dụ, danh sách kể tên của Enmen-lu-ana và cho rằng ông đã cai trị trong 43.200 năm. Triều đại của Kubaba cũng được cho là tồn tại 100 năm, một điều vô cùng khó tin. Tuy nhiên, cũng có khả năng khái niệm thời gian được giải thích khác với hệ thống thời gian của con người ngày nay.
Phần miêu tả của nữ hoàng Kubaba dài hơn hầu hết. Điều này cho thấy những người ghi chép thời cổ đại nhận thấy bà rất đáng chú ý. Bên cạnh tên của bà là dòng chữ “Người phụ nữ quản lý quán rượu, người đã tạo dựng nền móng vững chắc cho Kish”. Quá trình Kubaba lên nắm quyền ở thành bang Kish (nay thuộc Iraq) vẫn còn nhiều bí ẩn, nhưng đa số đồng ý rằng bà từng là chủ quán rượu.
Một số nguồn tài liệu gợi ý bà là thành viên của vương triều nắm quyền tại Kish và thừa kế ngai vàng từ cha. Tuy nhiên, số khác cho rằng bà là thường dân vươn lên nắm quyền nhờ năng lực và sức hút của chính mình. Dù trường hợp nào đúng, Kubaba vẫn là một nhà lãnh đạo nổi bật và để lại dấu ấn lâu dài tại Kish.
Theo truyền thống của người Sumer cổ đại, vương quyền không gắn liền với một kinh đô cố định mà thay đổi từ nơi này sang nơi khác. Vinh dự này được các vị thần ban tặng cho một thành phố và thay đổi theo ý muốn của họ. Trước Kubaba, kinh đô đặt tại Mari suốt hơn một thế kỷ. Sau Kubaba, kinh đô dời đến Akshak. Tuy nhiên, con trai của Kubaba là Puzer-Suen và cháu trai, Ur-Zababa, từng tạm thời chuyển kinh đô trở lại Kish.
Một trong những thành tựu quan trọng nhất của Kubaba là xây dựng đền thờ nữ thần Inanna. Ngôi đền nằm ở trung tâm của Kish và là một trong những địa điểm tôn giáo quan trọng nhất vùng. Kubaba được cho là một tín đồ của Inanna, và ngôi đền phản ánh các giá trị và tín ngưỡng tôn giáo của bà.
Ngoài những công việc liên quan đến tôn giáo, Kubaba còn là nhà lãnh đạo quân sự kiểm soát một đội quân hùng mạnh. Bà được cho là đã mở rộng lãnh thổ của Kish với hàng loạt chiến dịch quân sự, giúp Kish trở thành một cường quốc trong khu vực. Tài năng quân sự là một yếu tố quan trọng trong triều đại của Kubaba, giúp đảm bảo bà tiếp tục cai trị Kish.
Về nguyên nhân triều đại của Kubaba kết thúc, các chuyên gia cho rằng bà phải đối mặt với sự phản đối từ các thành bang cạnh tranh và từ chính Kish. Theo một số tài liệu, bà bị thần dân của mình lật đổ, trong khi những lời kể khác cho biết, bà thoái vị và lui về ở ẩn.
Vào thiên niên kỷ sau khi bà qua đời, Kubaba được tôn làm thần và thờ cúng như một nữ thần Tân Hittite. Nghiên cứu về nữ hoàng Kubaba là một phần thiết yếu để hiểu về một trong những nền văn minh đầu tiên trên thế giới.
Thu Thảo (Theo Ancient Origins)