Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Startup Mỹ phát triển lưới điện ngoài Trái Đất đầu tiên

Mô phỏng một phần mạng lưới vệ tinh truyền điện đang phục vụ nhiều vệ tinh khách hàng. Ảnh: Star Catcher Industries

Mô phỏng một phần mạng lưới vệ tinh truyền điện đang phục vụ nhiều vệ tinh khách hàng. Ảnh: Star Catcher Industries

Star Catcher Industries, startup có trụ sở tại Florida, huy động được 12,25 triệu USD tiền tài trợ để phát triển mạng lưới vệ tinh truyền điện trên Quỹ đạo Trái Đất Thấp (LEO), Space hôm 25/7 đưa tin. Vệ tinh đầu tiên có thể phóng lên sớm nhất vào năm sau.

Star Catcher Industries dự định cung cấp năng lượng cho các vệ tinh trên quỹ đạo thay vì khách hàng dưới Trái Đất. Đây là thị trường đang phát triển nhanh với những hệ thống vệ tinh lớn như Starlink của SpaceX. Theo Star Catcher Industries, LEO sẽ có khoảng 50.000 phương tiện vũ trụ hoạt động vào năm 2030, gấp khoảng 5 lần hiện nay.

Công ty này dự kiến xây dựng mạng lưới vệ tinh mới ở độ cao khoảng 1.500 km. Các vệ tinh sẽ hấp thụ năng lượng Mặt Trời và truyền đến vệ tinh khách hàng trong phạm vi bức xạ có thể chuyển đổi thành điện hiệu quả hơn. Chùm năng lượng có thể điều chỉnh tăng giảm để phù hợp với nhiều loại phương tiện vũ trụ. Lưới điện mới sẽ cung cấp cho các phương tiện này lượng điện gấp 5 – 10 lần so với mức chúng tự tạo ra.

“Cơ sở hạ tầng điện là nền tảng giúp xây dựng nền văn minh và công nghiệp. Chúng tôi đặt mục tiêu mở rộng nền tảng đó đến LEO và xa hơn với dịch vụ và lưới điện ngoài vũ trụ của mình. Việc có thể mua điện cho phương tiện vũ trụ ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào trên LEO sẽ giúp mở rộng cơ hội và thúc đẩy nhân loại hiện thực hóa thời đại hoàng kim thứ hai của không gian”, Andrew Rush, nhà đồng sáng lập kiêm CEO của Star Catcher Industries, cho biết.

Công ty này sẽ sử dụng số tiền mới huy động được để xác thực công nghệ truyền điện của mình, bắt đầu bằng những thử nghiệm trên mặt đất, sau đó là thử nghiệm trên quỹ đạo vào cuối năm 2025 và triển khai dịch vụ thương mại.

Lưới điện vũ trụ có nhiều ứng dụng tiềm năng. Một vệ tinh giá rẻ và công suất thấp sẽ làm được nhiều việc hơn nếu pin có thể sạc lại khi cần. Những phương tiện gặp sự cố với hệ thống điện hoặc pin Mặt Trời cũng có thể nhận được hỗ trợ. Ngoài ra, lưới điện còn hữu ích với các nhiệm vụ Mặt Trăng, giúp giải quyết vấn đề thiếu năng lượng ở những khu vực không nhận được ánh sáng Mặt Trời. Việc sinh hoạt, sản xuất hay hoạt động khác trên quỹ đạo đòi hỏi lượng điện lớn cũng sẽ hưởng lợi từ lưới điện mới.

Thu Thảo (Theo Space, TechCrunch)



Leave a Comment

0.0/5