Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Tàu đầu tiên lấy mẫu ở phía xa Mặt Trăng phóng năm 2024

Tàu quỹ đạo Trinh sát Mặt Trăng của NASA chụp ảnh nửa phía xa Mặt Trăng. Ảnh: NASA/Goddard/Đại học Bang Arizona

Tàu quỹ đạo Trinh sát Mặt Trăng của NASA chụp ảnh nửa phía xa Mặt Trăng. Ảnh: NASA/Goddard/Đại học Bang Arizona

Nhiệm vụ phức hợp Hằng Nga 6 gồm 4 phương tiện – một module thiết bị, một trạm đổ bộ, một phương tiện để phóng lên từ Mặt Trăng và một module hồi quyển – sẽ bay lên không gian bằng tên lửa Trường Chinh 5 từ Văn Xương, theo Wu Yanhua, nhà thiết kế trưởng của Đại Dự án Khám phá Không gian Sâu của Trung Quốc, Space hôm 3/5 đưa tin.

Nhiệm vụ Hằng Nga 6 kéo dài 53 ngày, dự kiến đáp xuống bề mặt Mặt Trăng và thu thập khoảng 2 kg vật chất bằng cách sử dụng các thiết bị xúc, khoan. Vị trí hạ cánh là khoảng 43 độ vĩ nam và 154 độ kinh tây ở phía xa của Mặt Trăng, tương ứng với khu vực phía nam của hố va chạm lớn mang tên Apollo.

Hố Apollo nằm trong vùng trũng Nam Cực-Aitken (SPA) – một hố va chạm khổng lồ, cổ xưa với đường kính khoảng 2.500 km, bao phủ gần 1/4 phía xa của Mặt Trăng. Nhiều chuyên gia cho rằng vụ va chạm tạo ra vùng trũng SPA đã làm lộ vật liệu bên dưới lớp vỏ Mặt Trăng, do đó có thể nắm giữ những manh mối quan trọng về quá khứ của Mặt Trăng cũng như sự phát triển của hệ Mặt Trời.

Trung Quốc tiến hành thu thập mẫu vật Mặt Trăng đầu tiên vào năm 2020 với nhiệm vụ Hằng Nga 5. Tuy nhiên, nhiệm vụ này hướng đến vùng lòng chảo khổng lồ Oceanus Procellarum ở phía gần của Mặt Trăng.

Nhiệm vụ Hằng Nga 6 sẽ gặp nhiều thách thức hơn. Vì phía xa của Mặt Trăng không bao giờ đối mặt với Trái Đất và không thể quan sát trực tiếp, trước tiên Trung Quốc cần phóng vệ tinh Queqiao 2 để chuyển tiếp liên lạc giữa Hằng Nga 6 và đội ngũ chuyên gia dưới Trái Đất.

Thu Thảo (Theo Space)

Leave a Comment

0.0/5