Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Thanh kiếm bát giác sáng bóng sau 3.000 năm





Thanh kiếm hơn 3.000 năm có thể do thợ rèn có tay nghề tạo ra. Ảnh: Bronzezeitliches Schwert

Thanh kiếm hơn 3.000 năm có thể do thợ rèn có tay nghề tạo ra. Ảnh: Bronzezeitliches Schwert

Các nhà khảo cổ học Đức khai quật một thanh kiếm từ ngôi mộ thời Đồ Đồng. Vũ khí ở trong tình trạng tốt đến mức vẫn lóe sáng. Thanh kiếm hơn 3.000 năm tuổi được phát hiện ở thị trấn Nördlingen tại Bavaria, trong ngôi mộ chôn hài cốt người đàn ông, phụ nữ và đứa trẻ. Có vẻ như ba người được chôn liền nhau, nhưng nhóm nghiên cứu không rõ họ có liên quan tới nhau hay không, theo thông báo hôm 14/6 của Cơ quan bảo vệ di tích Bavaria.

Vũ khí có phần chuôi hình bát giác đúc từ hợp kim chứa đồng, hiện nay màu ánh xanh do đồng bị oxy hóa khi tiếp xúc với không khí và nước. Các nhà khảo cổ học xác định thanh kiếm ra đời vào cuối thế kỷ 14 trước Công nguyên. Kiếm từ thời kỳ này trong vùng rất hiếm bởi nhiều ngôi mộ giữa thời Đồ Đồng bị trộm sau hàng thiên niên kỷ.

Chỉ thợ rèn có tay nghề mới tạo ra được thanh kiếm bát giác. Phần tay cầm có hai đinh tán, đúc trùm qua lưỡi theo kỹ thuật mang tên đúc phủ. Tuy nhiên, lưỡi kiếm không có vết cắt hay dấu hiệu mài mòn rõ rệt, chứng tỏ nó là vật phục vụ nghi thức hoặc mang tính biểu tượng. Ngay cả như vậy, nó cũng có khả năng dùng làm vũ khí bởi trọng tâm ở mặt trước lưỡi kiếm cho thấy nó có thể chém đối thủ hiệu quả.

Các nhà nghiên cứu cho biết, có hai khu vực sản xuất kiếm bát giác ở Đức. Một khu vực nằm ở miền nam nước Đức trong khi nơi còn lại nằm ở miền bắc nước Đức và Đan Mạch. Nhóm chuyên gia chưa rõ thanh kiếm mới phát hiện đến từ đâu. “Thanh kiếm và ngôi mộ vẫn cần kiểm tra để các nhà khảo cổ của chúng tôi có thể phân loại phát hiện chính xác hơn”, Mathias Pfeil, người đứng đầu Cơ quan bảo vệ di tích Bavaria, cho biết.

An Khang (Theo Live Science)



Leave a Comment

0.0/5