Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Thành phố được xây để chống mọi thảm họa tự nhiên

Bản vẽ phối cảnh thành phố Antakya sau khi hồi sinh với bờ sông ở trung tâm. Ảnh: Hội đồng thiết kế Türkiye

Bản vẽ phối cảnh thành phố Antakya sau khi hồi sinh với bờ sông ở trung tâm. Ảnh: Hội đồng thiết kế Türkiye

Hơn 50.000 người chết và hàng triệu người khác bị mất chỗ ở khi hai trận động đất mạnh 7,8 và 7,5 độ làm rung chuyển miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền bắc Syria vào ngày 6/2 năm ngoái. Liên Hợp Quốc ước tính chi phí xây dựng lại khu vực ở mức hơn 100 tỷ USD. Thành phố Antakya (hay còn gọi là Antioch), thủ phủ của tỉnh Hatay, là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ với gần 80% nhà cửa bị phá hủy đến mức không thể sửa chữa.

Đây là thiệt hại “vượt ngoài sức tưởng tượng”, theo Nicola Scaranaro của Foster + Partners, công ty kiến trúc công bố kế hoạch xây dựng và hồi sinh thành phố tháng trước, với mục tiêu chống chọi động đất, lũ lụt và nhiều thiên tai khác. Mục tiêu này nói dễ hơn làm ở khu vực có khuynh hướng dễ dộng đất như vậy. Sự kiện năm ngoái là đợt động đất thứ 7 tàn phá Antakya từ khi thành phố ra đời vào thế kỷ 4 trước Công nguyên, theo Scaranaro.

Thành phố nằm nép dưới chân núi Habib Neccar ở thung lũng sông Asi. Vị trí gần sông có nghĩa tác động phá hủy của động đất càng trầm trọng do hiện tượng mang tên hóa lỏng đất, khiến đất mất độ cứng chắc và dịch chuyển giống chất lỏng hơn. Với vô số nhà cửa xây dọc bờ sông Asi, lũ lụt từ lâu trở thành nguy cơ đối với cư dân Antakya. Hơn 45.000 cư dân sinh sống trên 2,5 triệu m2 có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt trước trận động đất năm ngoái, theo ước tính của Foster + Partners. Khả năng xảy ra thiên tai sẽ tăng lên trong tình hình khủng hoảng khí hậu.

Đảm bảo khả năng chống chọi cả hai mối đe dọa lặp lại là trọng tâm cân nhắc khi công ty được Hội đồng thiết kế Türkiye, một tổ chức phi chính phủ, ủy nhiệm dẫn đầu liên minh quốc tế nhằm phát triển chiến lược xây dựng lại khu vực 6 tháng sau động đất. Kiến trúc và thiết kế đường phố đóng vai trò như lớp phòng thủ đầu tiên chống lại tác động của động đất, bao gồm nhà cửa nhỏ gọn giúp đối phó tốt hơn với hoạt động địa chấn so với những công trình lớn và dài hình chữ L rải rác ở Antakya trước đây.

Các khu phố dạng siêu khối tổ hợp lấy cảm hứng từ khu phố ở Barcelona sẽ khuyến khích những khu vực không xe cộ, đảm bảo lộ trình cho cả dịch vụ cứu hộ khẩn cấp và cư dân thoát hiểm khi có thiên tai. Cách bố trí này cũng có lợi cho chất lượng cuộc sống, dẫn tới mật độ giao thông thấp hơn và số lượng không gian xanh trong đô thị nhiều hơn.

Không gian xanh đóng vai trò không thể thiếu trong ngăn chặn ngập lụt với dải đất dọc sông được đánh dấu để không tái xây dựng. Thay vào đó, những công viên trải dài trước mặt sông sẽ lấp đầy các khu vực nguy cơ cao này, đóng vai trò như vùng đệm tự nhiên khi nước sông tràn bờ và hấp thụ nước lũ. Trồng các loài bản xứ, mạng lưới không gian xanh và công viên công cộng ở địa phương sẽ cung cấp môi trường sống quan trọng cho động thực vật, trở thành không gian xanh cho phép động vật hoang dã di chuyển tự do. Cách tiếp cận như vậy cũng giúp đáp ứng mục tiêu tăng gấp đôi không gian xanh trên đầu người của kế hoạch.

Quá trình xây dựng bắt đầu trong khi kế hoạch đang thành hình, công ty tư vấn kỹ thuật Buro Happold dự đoán việc hồi sinh hoàn toàn thành phố sẽ kéo dài 10 năm.

An Khang (Theo CNN)



Leave a Comment

0.0/5