Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Thuốc giải độc tiềm năng cho người ăn phải nấm tử thần





Nấm tử thần Amanita phalloides. Ảnh: Bkaounas/iNaturalist

Nấm tử thần Amanita phalloides. Ảnh: Bkaounas/iNaturalist

Theo các chuyên gia, trong đó có Guohui Wan và Qiao-Ping Wang tại Đại học Trung Sơn, thuốc nhuộm huỳnh quang indocyanine xanh có tiềm năng cứu sống nhiều người trong tương lai. Indocyanine xanh chưa được thử nghiệm để giải độc trên người, nhưng đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt cho các mục đích sử dụng khác.

Nấm tử thần (Amanita phalloides) ước tính gây ra hơn 90% các trường hợp tử vong do ngộ độc nấm trên thế giới. Chúng có thể trông giống các loài nấm khác mà con người thích hái trong tự nhiên, nhưng chỉ ăn một nửa cây nấm cũng có thể gây tổn thương gan hoặc thận nghiêm trọng. Vốn là loài bản địa châu Âu nhưng nấm tử thần đã lan rộng khắp thế giới. Loài nấm này gây ra hơn 38.000 ca bệnh và gần 800 ca tử vong chỉ riêng ở Trung Quốc trong giai đoạn 2010 – 2020.

Trong nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Nature Communications, các nhà khoa học nhắm mục tiêu vào alpha-amanitin, độc tố chính mà nấm tử thần tiết ra. Họ sử dụng kỹ thuật sàng lọc CRISPR bộ gene, một kỹ thuật tương đối mới giúp tìm hiểu vai trò của các gene nhất định trong trường hợp nhiễm trùng và ngộ độc.

Quá trình sàng lọc CRISPR xác định, protein STT3B là thủ phạm chính gây ra những ảnh hưởng độc hại của nấm tử thần. Nhóm chuyên gia xem xét các loại thuốc mà FDA đã phê duyệt và phát hiện indocyanine xanh có tiềm năng ngăn chặn protein này.

Đây là loại thuốc nhuộm huỳnh quang dùng trong tĩnh mạch, được sử dụng rộng rãi suốt nhiều thập kỷ ở Mỹ, châu Âu và các khu vực khác để chẩn đoán hình ảnh, giúp bác sĩ đo lường chức năng gan và tim.

Wang cho biết, khi phát hiện ra mối liên hệ bất ngờ này, cả nhóm đã rất ngạc nhiên. Họ thử nghiệm thuốc trước tiên trên tế bào gan trong đĩa thí nghiệm, sau đó trên chuột. Cả hai trường hợp đều cho thấy tiềm năng lớn trong việc giảm ảnh hưởng độc hại của nấm tử thần.

Tiếp theo, nhóm nghiên cứu hiện dự định tiến hành thử nghiệm trên người. “Nó có thể cứu nhiều mạng sống nếu hiệu quả với người giống như với chuột”, Wang nhận định.

Thu Thảo (Theo AFP)



Leave a Comment

0.0/5