Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Tia gamma mạnh nhất trong vũ trụ

Mô phỏng chớp tia gamma sáng nhất GRB 221009A truyền tới Trái Đất. Ảnh: Global Times

Mô phỏng chớp tia gamma sáng nhất GRB 221009A truyền tới Trái Đất. Ảnh: Global Times

Các nhà khoa học Trung Quốc ở Viện vật lý năng lượng cao (IHEP) thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) phát hiện một dòng tia gamma với năng lượng lên tới 37 triệu electron volt từ chớp tia gamma cực sáng, Interesting Engineering hôm 25/7 đưa tin. Đây là vạch quang phổ năng lượng cao nhất phát ra bởi thiên thể trong vũ trụ.

Chớp tia gamma (GRB) là vụ nổ mạnh nhất trong vũ trụ. Chúng có thể được tạo bởi quá trình sụp đổ lõi của một ngôi sao khổng lồ hoặc va chạm của hai ngôi sao cực đặc như sao neutron. Phát hiện của nhóm nghiên cứu Trung Quốc liên quan tới GRB sáng nhất mọi thời đại có tên gọi GRB 221009A. Chớp tia gamma này truyền tới Trái Đất vào ngày 9/10/2022. Theo IHEP, nó được quan sát bởi nhiều kính viễn vọng trên khắp thế giới.

Các nhà nghiên cứu của IHEP, Đài quan sát Vân Nam thuộc CAS, Đại học Sư phạm Hà Bắc và Đại học Sư phạm Quý Châu tiến hành phân tích kỹ lưỡng dữ liệu quan sát từ hai máy dò tia gamma trong vũ trụ là GECAM-C và Fermi/GBM. GECAM-C do CAS cấp kinh phí, đo chính xác dải phổ năng lượng thấp của GRB này trong khi Fermi/GBM theo dõi dải năng lượng cao mà dòng tia gamma xuất hiện. Đặc biệt, chớp tia gamma sáng đến mức máy dò Fermi/GBM bị mất dữ liệu, khiến việc phân tích dữ liệu rất khó khăn. GECAM-C không gặp vấn đề như vậy do thiết kế thiết bị. Do đó, dữ liệu của GECAM-C được sử dụng để hiệu chỉnh dữ liệu từ Fermi/GBM.

Sau khi tiến hành phân tích kỹ lưỡng hai nguồn dữ liệu, ảnh hưởng của thiết bị và lập mô hình, nhóm nghiên cứu thu được quang phổ của GRB. Họ cũng xác định một loạt dòng tia gamma qua chớp tia, bao gồm dòng tia với năng lượng 37 triệu electron volt. Theo IHEP, phát hiện cho thấy những mặt độc đáo của vật lý GRB và tia tương đối của chúng (chùm vật chất khổng lồ bị đẩy tới gần vận tốc ánh sáng và đặc biệt nóng).

An Khang (Theo Interesting Engineering)



Leave a Comment

0.0/5