TS Vinh, 30 tuổi, Phó trưởng Khoa Dược, trường Đại học Khoa học Sức khỏe, Đại học Quốc gia TP HCM là một trong 10 gương mặt giành giải thưởng Quả cầu vàng do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng hôm 8/11. Vinh là người trẻ nhất nhận giải và cũng là đại diện duy nhất của lĩnh vực Công nghệ y – dược được trao giải.
Sinh ra ở vùng quê miền biển thuộc thị xã Sông Cầu, Phú Yên, Vinh thường cùng lũ bạn mò cua, bắt ốc khi trưa nắng. Những lần bị ốm cũng là lúc Vinh cảm nhận được sự kỳ diệu của những viên thuốc và bắt đầu yêu thích màu áo blouse trắng. Khi học cấp ba, thầy giáo chủ nhiệm từng nói với Vinh “nếu làm ra được một loại thuốc, cuộc sống của hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu người có thể tốt hơn”. Lời dạy in sâu vào tâm trí, tốt nghiệp THPT Vinh thi vào Khoa Dược, trường Đại học Y dược TP HCM theo hệ Pháp ngữ. Đây được cho là viên gạch đầu tiên giúp cậu thực hiện ước mơ nhà bào chế thuốc.
Suốt chặng đường đại học, thạc sĩ, rồi tiến sĩ Vinh luôn tâm niệm tìm kiếm cơ hội và tiếp thu tri thức nghiên cứu, phát triển thuốc. Thời gian học tiến sĩ tại Pháp, Vinh cùng đồng sự phát triển dạng thuốc thông minh tiềm năng với kích thước nano trong điều trị ung thư vú ba âm và ung thư phổi tế bào nhỏ. Nghiên cứu được đăng trên 5 tạp chí quốc tế uy tín và đoạt Giải thưởng xuất sắc về Bào chế năm 2022, Viện Hàn Lâm Dược học Cộng hòa Pháp.
Sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ tại Đại học Tours (Pháp), Vinh về nước với mong muốn đào tạo đội ngũ dược sĩ tại Việt Nam. Anh nhìn nhận, khi phát triển đội ngũ đủ lớn, họ chính là người thực hiện các nghiên cứu bào chế và có thể kết hợp với công ty sản xuất dược phẩm, phục vụ cộng đồng. “Về Việt Nam giúp tôi thực hiện ước mơ của mình”, Vinh nói.
Về nước đầu năm 2022, TS Vinh vừa tìm kiếm đối tác thực hiện tiếp dự án thuốc thông minh vừa tập trung làm các nghiên cứu về thuốc kháng sinh, kháng nấm bằng các giải pháp xanh (từ thiên nhiên hoặc tổng hợp xanh). Hướng nghiên cứu này nhằm giải quyết tình trạng đề kháng kháng sinh, kháng nấm đặc biệt là trong nhiễm trùng bệnh viện và trên bệnh nhân với hệ miễn dịch suy giảm. Anh nói, khi người bệnh bị nhiễm trùng, thông thường diễn biến bệnh rất nhanh và chỉ một vài kháng sinh có thể sử dụng. Trong 1 – 2 tuần, nếu vi khuẩn gây bệnh không được tìm ra hoặc kháng sinh sử dụng không có tác dụng thì nguy cơ tử vong rất cao. Chính vì vậy TS Vinh cùng cộng sự định hướng phát triển các loại thuốc kháng sinh, kháng nấm, phù hợp mô hình bệnh tật Việt Nam tập trung các bệnh phòng dịch, bệnh truyền nhiễm.
Hiện nhóm tiến hành các nghiên cứu, sử dụng các hoạt chất thông thường (không có khả năng tương tác) kết hợp thuốc kháng sinh, kháng nấm nhưng cho tác dụng cộng hợp trong cải thiện tình trạng kháng thuốc. Bệnh nhân có thể dùng riêng lẻ hai loại thuốc này theo chỉ định để cải thiện tình trạng kháng nấm. “Nhóm đang tiến hành các bước tiếp theo để chứng minh lâm sàng”, TS Vinh nói. Để nghiên cứu một loại thuốc mới, cần thời gian nhiều năm, với chi phí rất lớn. Anh nói, việc tập trung phát triển các loại thuốc generic (thuốc bản sao) đóng vai sẽ giúp trong nước chủ động nguồn cung và giá thành giảm nhiều lần so với thuốc ngoại nhập để người dân có thể thụ hưởng.
GS Lê Minh Trí, Phó hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Sức khỏe, Đại học Quốc gia TP HCM cho biết, TS Vinh bắt đầu làm việc tại trường từ tháng 4/2022 và đạt nhiều giải thưởng trong nước, quốc tế. Ông cho biết, trường đã thành lập Trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Trung tâm này có chức năng nghiên cứu, bào chế thuốc hợp tác chuyển giao kỹ thuật cho các doanh nghiệp dược để triển khai ứng dụng. TS Vinh là một trong những nhân tố chủ chốt trong hoạt động này.
Hà An