Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Trưởng ban tuyên giáo TW gợi ý khu công nghệ cao ưu tiên phát triển vi mạch

Thông tin được Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nói tại buổi làm việc với Khu công nghệ cao TP HCM (SHTP) chiều 11/5 khi đề cập các công nghệ mũi nhọn cần phát triển thời gian tới.

Ông cho rằng, điện tử và vi mạch là lĩnh vực được Mỹ, Trung Quốc… và nhiều nước phát triển rất quan tâm. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này. Vì thế các cơ quan quản lý cần quan tâm chiến lược phát triển trong các khu công nghệ cả trên cả nước nói chung và SHTP nói riêng.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, sẽ kiến nghị Trung ương xin ý kiến hoàn thiện các chính sách pháp luật liên quan để thúc đẩy phát triển.





Ông Nguyễn Trọng Nghĩa (thứ 2 từ trái sang) thăm quan Trung tâm đào tạo điện tử quốc tế tại Khu công nghệ cao TP HCM, chiều 11/5. Ảnh: Quỳnh Trần

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa (thứ 2 từ trái sang) thăm quan Trung tâm đào tạo điện tử quốc tế tại Khu công nghệ cao TP HCM, chiều 11/5. Ảnh: Quỳnh Trần

Ông Nghĩa cho biết, Trung ương đã ban hành ba Nghị quyết về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Phát triển khoa học công nghệ; Thu hút nguồn nhân lực, trí thức khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Trong đó “khoa học công nghệ, thu hút trí thức trong điều kiện hiện nay là rất khó”, ông nói và cho rằng cần xây dựng cơ chế chính sách đột phá.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định, cho rằng, SHTP cần có cơ chế thu hút các công ty đa quốc gia đưa các trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) về tạo môi trường làm việc cho nhà khoa học. “Nếu cho phép tập đoàn đa quốc gia khấu trừ chi phí R&D vào chi phí chịu thuế có thể lên 150%, họ sẽ quan tâm việc đặt trung tâm R&D ở khu công nghệ cao”, ông Định gợi ý.

Ông Định cho biết, thời gian qua Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp UBND TP HCM đưa các nội dung về cơ chế thử nghiệm (sandbox) chính sách có kiểm soát vào Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho TP HCM. Ông mong muốn các đề xuất chính sách vượt trội về khoa học công nghệ sẽ sớm áp dụng tại thành phố thời gian tới.

Về chính sách thu hút nhân tài trong khu công nghệ cao, ông Phạm Chánh Trực, nguyên Trưởng ban quản lý SHTP góp ý, cần có chính sách cho phép thu nhập theo kết quả làm R&D hoặc thương mại hóa công nghệ nhằm giúp chuyên gia có thêm động lực làm việc, toàn tâm toàn ý làm khoa học. Ngoài ra, miễn hẳn thuế thu nhập cá nhân cho người làm R&D, người làm ươm tạo công nghệ trong 5 năm, thậm chí nhiều năm sau đó. “Hoạt động nghiên cứu, ươm tạo công nghệ cần có một quỹ hỗ trợ và nhà nước phải đứng ra đầu tư theo cơ chế đặt hàng. Sau đó nhà nước tạo môi trường cho tư nhân tham gia”, ông Trực nói.

Trước đó, báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP HCM cho biết, mục tiêu chiến lược của SHTP thời gian tới tập trung vào 4 ngành công nghiệp nền tảng gồm điện tử, vi mạch bán dẫn, công nghệ sinh học, công nghệ hàng không vũ trụ.

SHTP đang tập trung phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu giúp tăng số lượng doanh nghiệp công nghệ cao trong nước. Mô hình hợp tác công tư nhằm huy động nguồn nhân lực người Việt ở nước ngoài cũng được thí điểm. Hiện, số lượng chuyên gia khoa học người nước ngoài và chuyên gia Việt kiều làm việc trong các doanh nghiệp của SHTP khoảng hơn 570 người. Tại Ban quản lý SHTP có hơn 20 chuyên gia Việt kiều làm việc theo cơ chế cộng tác viên và 5 chuyên gia làm việc theo chính sách thu hút nhân tài của TP HCM.

Hà An

Leave a Comment

0.0/5