Nhà thiên văn nghiệp dư Luigi Morrone chụp ảnh tường mây khổng lồ chứa đầy axit trên sao Kim từ Agerola, Italy, Newsweek hôm 26/7 đưa tin. Bức tường kỳ lạ được gọi là Gián đoạn Mây sao Kim, dài khoảng 8.000 km, cắt qua xích đạo và lơ lửng cách bề mặt hành tinh khoảng 48 – 56 km. Cấu trúc kỳ lạ này được phát hiện lần đầu tiên bởi tàu quỹ đạo Akatsuki của Nhật Bản, sau đó biến mất và thỉnh thoảng xuất hiện lại. Lần gần nhất Morrone trông thấy nó là vào năm 2022.
Gián đoạn Mây sao Kim là cấu trúc giống sóng di chuyển về phía tây. Nhiều tàu vũ trụ và kính viễn vọng dưới mặt đất có thể quan sát cấu trúc này ở các bước sóng khả kiến và cực tím. Nó di chuyển với tốc độ cực cao, khoảng 330 km/h, hoàn thành một vòng quanh hành tinh chỉ trong khoảng 5 ngày Trái Đất, nhanh hơn nhiều so với thời gian sao Kim tự quay một vòng quanh trục – 243 ngày.
Theo NASA, Gián đoạn Mây sao Kim nhiều khả năng tồn tại từ khoảng những năm 1980. Giới khoa học vẫn chưa biết chắc lý do bức tường này hình thành và di chuyển cực nhanh quanh hành tinh. “Sự gián đoạn khí quyển này là một hiện tượng khí tượng mới, chưa từng thấy trên các hành tinh khác”, Javier Peralta, nhà khoa học tại Cơ quan Thám hiểm Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA), cho biết.
Bức tường kỳ lạ không phải lúc nào cũng hiện diện mà có vẻ biến mất rồi trở lại một cách ngẫu nhiên. “Hãy lưu ý, đây không phải hiện tượng khí quyển cố định trên sao Kim mà là hiện tượng ‘tái diễn’ (giống như El Nino hay La Nina trên Trái Đất), dù chúng ta vẫn chưa biết nó hình thành như thế nào hay khi nào nó hiện rõ”, Peralta cho biết.
Khí quyển sao Kim quay nhanh hơn nhiều so với chính hành tinh này, một hiện tượng được gọi là siêu quay. “Chúng tôi nghi ngờ Gián đoạn Mây sao Kim là một loại sóng khí quyển (sóng kiểu Kelvin) vì nó lan đi nhanh hơn các luồng gió siêu quay và dường như tiêu tán trước khi chạm đến đỉnh mây. Chúng tôi cho rằng nó có thể hình thành đâu đó bên dưới những đám mây, đưa động lượng khí quyển từ hồ lớn nhất sao Kim lên đỉnh mây, nơi có những cơn gió siêu quay nhanh nhất”, Peralta giải thích.
Sao Kim là hành tinh nóng nhất hệ Mặt Trời dù không nằm gần Mặt Trời nhất. Nhiệt độ bề mặt trung bình của sao Kim lên tới khoảng 465 độ C. Nguyên nhân là hành tinh này có khí quyển rất dày, chủ yếu gồm CO2, với một lớp mây axit sunfuric cách bề mặt khoảng 48 – 64 km. Khí quyển như vậy đồng nghĩa áp suất bề mặt trên sao Kim vô cùng cao, gấp khoảng 92 lần Trái Đất.
Thu Thảo (Theo Newsweek)