Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, lần đầu tiên hơn một tấn vải thiều không hạt tại tỉnh vừa được Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm – Sông Âm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Anh. Trong đó, 500 kg được xuất sang Nhật Bản, 600 kg còn lại xuất sang Anh.
Đây là dấu mốc quan trọng của ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, khi một loại vải có nguồn gốc từ nước ngoài vừa được trồng thử nghiệm đã cho kết quả thương phẩm cao.
Giống vải này được công ty trên phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp chọn tạo, trồng thử nghiệm trên địa bàn huyện Ngọc Lặc với diện tích khoảng 30 ha tại xã Nguyệt Ấn, theo quy trình VietGAP, GlobalGAP nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Theo khảo sát của VnExpress, tại thị trường Nhật Bản, vải không hạt nội địa có giá bán 4.500-5.000 yen một kg, tương đương 750.000-840.000 đồng một kg. Còn vải Việt Nam xuất khẩu qua được bán độc quyền tại một hệ thống siêu thị chuyên hàng Việt có giá bán lẻ 1.700 yen 500 gram (290.000 đồng) và giá bán sỉ từ 5 kg là 3.300 yen một kg (550.000 đồng).
Tại thị trường Việt Nam, đại diện Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm – Sông Âm, cho biết đang bán với mức giá 250.000-800.000 đồng một kg tùy bao bì và số lượng. Trong đó, công ty đang phân phối theo các hộp, như hộp đặc biệt giá 800.000 đồng loại một kg, hộp 2 kg giá 550.000 đồng; hộp một kg giá 280.000 đồng.
Riêng loại 800.000 đồng một kg là những trái vải được tuyển chọn từ các nông trại trồng theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt, tỷ lệ đường thấp, chứa đường đơn nên phù hợp cho người tiểu đường ăn kiêng, vi lượng gấp 3 lần vải bình thường. Hiện, 200 hộp đầu tiên của loại này đã bán hết cho khách sau vài ngày mở bán.
“Mức giá này cao nhưng so với hàng nhập từ Nhật Bản giá vẫn rất hấp dẫn”, đại diện công ty trên nói.
Trước đó, khi Việt Nam chưa có vải thiều không hạt, loại này đa phần được các đầu mối buôn bán trái cây xách tay từ Nhật Bản về Việt Nam, giá lên tới 5 triệu đồng một kg, đắt hơn 150 lần so với hàng Việt.
Theo doanh nghiệp này, tại Thanh Hóa công ty có hơn 1.000 ha để quy hoạch vùng trồng cây vải không hạt. Hiện có khoảng 30 ha đang cho trái và sản lượng thu hoạch từ nay đến hết tháng 6 khoảng 15 tấn.
Liên quan đến trái vải không hạt, năm 2019, Bắc Giang cũng đưa giống vải thiều không hạt về trồng tại xã Tân Sơn (huyện Lục Ngạn) với hơn 500 cây. Vụ vải năm 2022, vải không hạt đã cho bói và đạt chất lượng tốt.
Nói với VnExpress, ông Lê Bá Thành, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, cho biết năm nay sản lượng vải không hạt sẽ cao hơn so với năm ngoái và chất lượng tốt. Tuy nhiên, tỉnh này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu chứ chưa cho trồng đại trà.
Vải không hạt là giống được nhập khẩu từ nước ngoài, khi chín vải màu đỏ rực, cùi mọng, giòn, vị ngọt đậm đà. Ưu điểm của giống vải này là giảm công chăm sóc, không sâu cuống, bảo quản tốt, đem lại giá trị kinh tế cao.
Thi Hà