Quan điểm này được Bộ Kế hoạch & Đầu tư đưa ra tại báo cáo gửi Thủ tướng, thẩm định Đề án tách Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để lập Công ty TNHH MTV trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn.
Theo đề án của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, A0 sau khi tách khỏi EVN (một phần vốn, tài sản) sẽ thành lập Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO). Công ty này có kinh doanh chính trong lĩnh vực chỉ huy, điều khiển các đơn vị phát điện, truyền tải, phân phối điện; vận hành hệ thống điện quốc gia, điều hành giao dịch thị trường điện Việt Nam và quản lý, bảo trì các hệ thống điện.
Cơ chế tài chính là một trong những điểm mấu chốt để NSMO vận hành ổn định, liên tục sau khi tách khỏi EVN. Tại báo cáo thẩm định, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng, cần có cơ chế tài chính theo từng giai đoạn, đến hết năm 2023; từ đầu 2024 đến khi Luật Giá (sửa đổi) có hiệu lực vào 1/7/2024. Sau giai đoạn này, Bộ Công Thương xây dựng cơ chế tài chính đảm bảo cho NSMO vận hành, hoạt động.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề nghị Ủy ban Quản lý vốn cùng Bộ Công Thương xác định rõ thời điểm hoàn thành xây dựng thông tư hướng dẫn chi phí điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện. Việc này nhằm đảm bảo chi phí cần thiết để NSMO hoạt động và là cơ sở báo cáo Thủ tướng thời điểm hoàn thành tách A0.
“Việc tách A0 từ EVN để lập công ty TNHH MTV chỉ nên xem xét, quyết định khi có các cơ chế tài chính đảm bảo hoạt động và vận hành ổn định”, báo cáo thẩm định của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, nêu.
Trước đó, tại thông báo kết luận đưa ra đầu tháng 8, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ xây dựng cơ chế tài chính, nguồn thu để A0 hoạt động liên tục, hiệu quả sau khi tách khỏi EVN, thành lập doanh nghiệp mới đến khi Luật Giá (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2024 (giai đoạn chuyển tiếp).
Cách đây hai tháng khi trình Chính phủ phương án tách A0, Bộ Công Thương từng xin cơ chế tài chính đặc biệt duy trì lương, phụ cấp cho các kỹ sư điều độ của đơn vị này. Tại góp ý đề án tách A0 gửi Bộ Kế hoạch & Đầu tư ngày 22/8, Bộ Công Thương cho rằng, cơ chế tài chính nêu tại đề án cũng chưa làm rõ việc NSMO sẽ thu hồi chi phí bằng cách nào và căn cứ pháp lý thu hồi ra sao trong giai đoạn chưa áp dụng giá điều độ và giá điều hành giao dịch thị trường điện.
Để xử lý vướng mắc này, Bộ Công Thương đề xuất, NSMO sẽ thu hồi chi phí điều độ, điều hành giao dịch thị trường điện qua ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với EVN, kể từ ngày tách khỏi tập đoàn này.
Tiếp theo, khi áp dụng giá điều độ và điều hành giao dịch thị trường điện, theo đề án, NSMO ký hợp đồng đơn giá với các đơn vị mua và bán điện. Bộ Công Thương kiến nghị chỉ nên quy định công ty này ký hợp đồng đơn giá theo sản lượng điện mua bán, trao đổi trên hệ thống, thị trường điện.
Bộ Công Thương sẽ là đơn vị hướng dẫn cụ thể về giá điều độ vận hành hệ thống điện, theo Luật Điện lực. Còn giá điều hành giao dịch thị trường điện sẽ do Bộ Công Thương, Tài chính phối hợp xây dựng.
Cũng theo báo cáo thẩm định, Bộ Kế hoạch & Đầu tư băn khoăn về vốn điều lệ của công ty điều độ độc lập sau khi tách khỏi EVN, là 735 tỷ đồng theo đề án. Trong đó, vốn điều lệ tính theo vốn chủ sở hữu đến 30/6/2023 là 630 tỷ đồng và khấu hao cơ bản đã cấp cho các dự án của A0 đang thực hiện, chưa hoàn thành là 105 tỷ.
Tuy nhiên, tại báo cáo tài chính quý I/2023, vốn chủ sở hữu của A0 khoảng 385 tỷ đồng và hiện giá trị còn lại của danh mục tài sản bàn giao tại thời điểm cuối tháng 6/2023 là trên 578 tỷ. Với nguồn lực này, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề nghị Ủy ban Quản lý vốn, EVN tính toán lại để đảm bảo NSMO hoạt động ổn định sau khi tách khỏi EVN.
Bộ này cũng đề nghị bổ sung căn cứ, hạng mục tài sản hình thành vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ của A0 và rà soát các chi phí hoạt động, vốn lưu động, đầu tư để NSMO hoạt động ổn định đến hết 2023 – giai đoạn chuyển giao từ Ủy ban Quản lý vốn sang Bộ Công Thương.
Trước đó, Bộ Tài chính nêu quan điểm, chưa đủ căn cứ góp ý về vốn điều lệ của NSMO do vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính không có chỉ tiêu khấu hao cơ bản. Hồ sơ kèm theo đề án cũng chưa có báo cáo tài chính quý II của EVN, A0 và các tài liệu liên quan việc EVN cấp vốn khấu hao cơ bản cho A0.
Cơ quan thẩm định cũng lo ngại, số vốn 735 tỷ đồng có đủ để NSMO hoạt động, thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển trong 5 năm sau khi thành lập hay không. Do đó, Bộ này đề nghị Ủy ban Quản lý vốn làm rõ căn cứ, khả năng bố trí nguồn lực (vốn chủ sở hữu, nguồn khấu hao tài sản cố định, vốn vay…) cho hoạt động của NSMO. Ủy ban này được đề nghị rà soát 9 dự án đang triển khai của A0 để có phương án đầu tư, triển khai trong giai đoạn chuyển tiếp, tránh để các dự án bị dừng do phải thay đổi quy trình thủ tục hoặc chưa kịp bố trí vốn.
A0 được thành lập từ năm 1994, vận hành các khâu truyền tải, phân phối điện, để đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định. Đơn vị này cũng chịu trách nhiệm vận hành các nhà máy điện; khai thác, điều tiết hồ chứa; xử lý sự cố hệ thống điện 500 kV.
Việc chuyển A0 về Bộ Công Thương được thực hiện theo yêu cầu của Thủ tướng, nhằm tạo điều kiện vận hành cơ chế thị trường trong mối quan hệ giữa đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia với đơn vị phát điện, truyền tải và phân phối theo quy định của Luật Điện lực.