Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Bộ trưởng Công Thương: Bằng mọi cách đảm bảo nhiên liệu sản xuất điện

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa chủ trì cuộc họp cùng Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng Công ty Đông Bắc về kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia trong những tháng cao điểm nắng nóng năm 2023.

Lãnh đạo EVN cho biết việc vận hành hệ thống điện trong các tháng cao điểm nắng nóng (tháng 5, 6 và 7) sẽ rất khó khăn, đặc biệt hệ thống điện miền Bắc phải đối mặt với tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh của hệ thống với công suất thiếu hụt từ 1.600 MW đến 4.900 MW.

Trước tình trạng này, Bộ trưởng Công Thương yêu cầu các đơn vị phải nghiêm túc thực hiện kế hoạch cung cấp điện và than phục vụ cho phát điện. “Bằng mọi cách không được để thiếu than, thiếu nhiên liệu sản xuất điện”, ông Diên nói.





Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại cuộc làm việc về kế hoạch cung cấp điện những tháng cao điểm nắng nóng hôm 13/5. Ảnh: Moit

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại cuộc làm việc về kế hoạch cung cấp điện những tháng cao điểm nắng nóng hôm 13/5. Ảnh: Moit

Các đơn vị trong ngành cũng phải chủ động khắc phục các nguyên nhân khách quan do thời tiết. Lãnh đạo Bộ Công Thương sẽ nghiêm túc xem xét, xử lý các cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm để xảy ra thiếu điện do nguyên nhân chủ quan.

Với EVN, Bộ trưởng Công Thương đề nghị tập trung mọi nỗ lực, trong bất cứ hoàn cảnh nào, hệ thống điện quốc gia cũng phải được đảm bảo. Tập đoàn này được yêu cầu khẩn trương đàm phán và huy động các nhà máy điện đã sẵn sàng phát điện, trong đó có các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp nhằm tăng công suất cho hệ thống điện. Đồng thời, EVN cũng cần đẩy nhanh việc mua bán điện với các dự án nhập khẩu điện đã ký kết.

Với PVN và TKV, ông Diên yêu cầu phối hợp chặt chẽ với EVN và các đơn vị cung cấp khí, than cho các nhà máy điện theo đúng kế hoạch và hợp đồng đã ký. Đồng thời, các đơn vị này cũng phải xây dựng kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng phù hợp, tăng cường khai thác, nhập khẩu không để xảy ra việc thiếu khí, thiếu than cho sản xuất điện.

Đại diện PVN, TKV và Tổng công ty Đông Bắc cũng đam cam kết tạo điều kiện tối đa để cung ứng than, khí để đảm bảo cung cấp điện.

Trước đó, theo EVN, nguy cơ thiếu điện trong mùa nắng nóng, nhưng các nguồn như thuỷ điện, cung ứng nhiên liệu (than, khí) cho sản xuất điện hay nhập khẩu năng lượng đều gặp khó khăn. Năm nay diễn biến thuỷ văn không thuận lợi như 2022. Hiện nước về các hồ thuỷ điện kém, bằng 70-90% so với trung bình nhiều năm.

Về cấp than cho điện (sản xuất và pha trộn trong nước), khả năng cung ứng của TKV và Tổng công ty Đông Bắc là 46 triệu tấn, thấp hơn so với kế hoạch duyệt 6 triệu tấn. Riêng các nhà máy điện của EVN thiếu 1,3 triệu tấn than để vận hành. Việc mua than bổ sung lượng thiếu hụt cũng gặp khó khăn do hạn chế thị trường, cơ sở hạ tầng tiếp nhận than, nên đã xảy ra tình trạng thiếu than tại các nhà máy trong một vài thời điểm.

Tương tự với khí, khả năng cấp khí năm nay vẫn giảm so với các năm trước do một số mỏ chính bước vào thời gian suy giảm. Sản lượng dự kiến năm 2023 là 5,6 tỷ m3( trong đó khí Đông Nam Bộ 4,3 tỷ m3 và Tây Nam Bộ là 1,3 tỷ m3), thấp hơn so với 2022 khoảng 1,3 tỷ m3. Mặt khác, một số mỏ khí có thời gian khai thác lâu, thường xuyên xảy ra sự cố, nên cấp khí cho sản xuất điện khó khăn.

Anh Tú

Leave a Comment

0.0/5