Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Bộ Xây dựng: Thị trường vẫn chưa hết khó khăn

Thực tế, thị trường đất đai tại Việt Nam hiện vẫn tồn tại cơ chế hai giá. Tức một giá theo khung giá đất Nhà nước ban hành, là cơ sở để tính tiền đóng thuế hay tính giá đất đền bù giải tỏa dự án. Thứ hai là giá cả trên thị trường, thường xuyên biến động và cao hơn nhiều lần so với khung giá đất. Việc chênh lệch này dẫn tới nhiều hệ luỵ, khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai.

Tại báo cáo gửi Uỷ ban Kinh tế, Bộ Xây dựng cho biết trên 50% vướng mắc của các dự án chậm triển khai là do khó khăn trong xác định giá thị trường. Ngoài ra, các dự án cũng gặp vướng liên quan tới quy hoạch, đầu tư, pháp luật về nhà ở, đô thị. Chẳng hạn, việc yêu cầu dự án nhà ở xã hội phải đảm bảo phù hợp 100% quy hoạch dẫn tới nhiều dự án không thể đủ điều kiện được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản được các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai, song theo Bộ Xây dựng, thị trường này vẫn chưa hết “ngủ đông”. Điều này thể hiện qua dữ liệu sụt giảm nguồn cung, giao dịch trong quý đầu năm nay.

Theo đó, nguồn cung về nhà ở thương mại trong ba tháng đầu năm vẫn giảm so với quý IV/2022. Chỉ có 17 dự án được cấp phép mới, ít hơn 5 dự án so với quý cuối 2022 và chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng dự án hoàn thành, đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai đều thấp hơn cùng kỳ và cuối năm ngoái.

Số dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở (hoàn thành hay được cấp mới) chỉ bằng 29-44% cuối năm 2022.

Bất động sản khu Đông, TP HCM, tháng 3/2023. Ảnh: Quỳnh Trần

Bất động sản khu Đông, TP HCM, tháng 3/2023. Ảnh: Quỳnh Trần

Ba tháng đầu năm, lượng giao dịch bất động sản giảm tới 35% so với cuối 2022, với 106.401 giao dịch và giảm gần 39% cùng kỳ. Phân khúc đất nền ghi nhận lượng giao dịch giảm sâu, chỉ bằng 45% quý IV/2022 và gần 44% cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, mua bán nhà chung cư, nhà ở riêng lẻ lại tăng vọt, gần 273% so với cuối năm ngoái.

Tồn kho bất động sản trong quý đầu năm khoảng 18.808 căn, nền. Trong đó, tồn kho chủ yếu rơi vào phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ (9.123 căn) và đất nền các dự án (7.113 nền).

Thị trường chưa thoát khỏi ảm đạm, nhưng Bộ Xây dựng cho hay, nhiều thông tin không chính xác về tài chính tín dụng, trái phiếu hay xử lý vi phạm tại một số doanh nghiệp (VinGroup, Novaland…) đã gây thêm tâm lý hoang mang cho khách hàng, nhà đầu tư và khó khăn cho doanh nghiệp. Điều này khiến các nhà đầu tư e ngại, tạm ngừng đầu tư vào bất động sản và chuyển sang kênh đầu tư khác. Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản không bán được hàng, không có dòng tiền và khó khăn về thanh khoản.

Để gỡ khó khăn cho thị trường địa ốc, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục cùng các cấp ngành tháo gỡ vướng mắc về thể chế, cơ chế, vốn tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp cho bất động sản và thúc đẩy phát triển phân khúc nhà ở xã hội.

Đến nay, tổ công tác của Thủ tướng đã nhận 58 báo cáo khó khăn và kiến nghị của các doanh nghiệp, địa phương liên quan tới 115 dự án. Trong đó Novaland có 6 dự án, Hưng Thịnh là 44 và HUD là 16 dự án. Hai địa phương có dự án bất động sản khó khăn đề nghị gỡ vướng là Đồng Nai và Sóc Trăng.

50 kiến nghị trong số này đã được tổ công tác đã rà soát, gửi UBND các tỉnh, thành phố (48 văn bản) và hai văn bản tới Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Tài nguyên & Môi trường để giải quyết theo thẩm quyền.

Hôm 12/4, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 33 tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản. Theo đó, doanh nghiệp khó khăn sẽ được giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ. Các dự án đáp ứng được nhu cầu thực của người dân, có hiệu quả, thanh khoản tốt như nhà ở xã hội, văn phòng cho thuê, bất động sản phục vụ sản xuất, công nghiệp, được tạo điều kiện cho vay vốn. Những dự án có đủ điều kiện pháp lý, khả năng tiêu thụ sản phẩm cũng được tạo điều kiện tiếp cận tín dụng.

Với những động thái tháo gỡ mạnh tay, nhiều dự báo của giới chuyên gia cho thấy thị trường địa ốc có thể phục hồi từ quý IV năm nay.

Anh Minh

Leave a Comment

0.0/5