Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, Ban IV) vừa gửi Thủ tướng kết quả khảo sát về khó khăn doanh nghiệp và triển vọng kinh tế cuối 2023.
Khảo sát được Ban IV phối hợp cùng VnExpress thực hiện cuối tháng 4 với gần 9.560 doanh nghiệp, cho thấy bức tranh kinh tế với nhiều gam màu tối. Theo đó, trên 82% doanh nghiệp cho biết dự kiến giảm quy mô, tạm dừng hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại năm nay.
Trong số doanh nghiệp còn hoạt động, có hơn 71% muốn giảm trên 5% lao động (trong đó, 22% tính giảm hơn một nửa). Gần 81% đơn vị nói sẽ giảm doanh thu trên 5%, trong số này, tỷ lệ giảm trên 50% là 29,4%.
Doanh nghiệp cũng thể hiện niềm tin thấp khi hơn 81% đánh giá tiêu cực hoặc rất tiêu cực về triển vọng kinh tế trong các tháng còn lại năm nay.
Bốn khó khăn lớn doanh nghiệp đang đối mặt, gồm thiếu đơn hàng, khó tiếp cận vốn, thủ tục hành chính và lo ngại bị hình sự hóa trong hoạt động kinh tế. Trong khi đó, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, với 84% doanh nghiệp đánh giá ở mức “kém hiệu quả”.
Để thoát khó khăn, doanh nghiệp đề xuất nhiều giải pháp xử lý bốn nút thắt này. Đầu tiên, họ kiến nghị giảm chi phí để tăng sức cạnh tranh. Chẳng hạn, Chính phủ có thể kéo dài thời hạn giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2025 thay vì cuối năm nay. Chi phí lao động cũng cần giảm hơn thông qua hạ phí công đoàn, bảo hiểm xã hội và xem xét thay đổi ngưỡng chịu thuế thu nhập cá nhân.
Các doanh nghiệp đồng thời đề nghị một số cơ chế đặc biệt, như cho phép họ được hoàn thuế trong vòng 3 tháng sau khi xuất khẩu đơn hàng và kết hợp các biện pháp thanh tra, hậu kiểm để kiểm soát rủi ro, chống gian lận thuế. Hay giảm thuế thu nhập doanh nghiệp với các đơn vị xuất khẩu về mức 5-10%.
Tiếp theo là tăng khả năng tiếp cận vốn vay cho nền kinh tế. Doanh nghiệp cho rằng nên có một gói tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực, trong đó dành riêng nguồn lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Không nên siết tín dụng với phân khúc bất động sản liên quan xây dựng nhà ở xã hội, bệnh viện, trường học, hạ tầng sản xuất”, theo báo cáo của Ban IV.
Kế đến là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Theo đó, nhà chức trách cần hạn chế kiểm tra (không quá một lần mỗi năm), không ban hành thêm văn bản mới nhằm tránh gánh nặng về thuế, phí, thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Nhà chức trách cũng cần sớm hoàn thành điều tra các vụ án hiện tại và đưa ra nghị quyết không hình sự hóa các quan hệ kinh tế.
Cuối cùng, để ứng phó với các khó khăn từ bên ngoài, doanh nghiệp đề xuất Chính phủ tăng đàm phán thương mại để đa dạng hóa thị trường đầu vào (đặc biệt với các ngành may mặc, da giày, đồ gỗ…) và đầu ra để giảm sự phụ thuộc các thị trường truyền thống.
Các cơ quan chức năng cũng cần tăng năng lực dự báo về các xu hướng kinh tế, cập nhật các ưu đãi phát triển và cảnh báo rủi ro.
Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế, sức khỏe doanh nghiệp đang giảm sút, nền kinh tế rất khó khăn. Bốn tháng đầu năm có gần 79.000 doanh nghiệp đăng ký lập mới, quay trở lại thị trường. Bình quân mỗi tháng khoảng 19.700 doanh nghiệp lập mới, quay lại hoạt động.
Tuy nhiên, mỗi tháng cũng có 19.200 đơn vị rút lui khỏi thị trường. Nhiều doanh nghiệp đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng, bán cổ phần với mức giá rất thấp, trong nhiều trường hợp bán cho nước ngoài.
Doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp. Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, có gần 547.000 lao động tại 1.300 doanh nghiệp bị giảm giờ làm, ngừng việc do đơn hàng giảm từ tháng 9/2022 đến 1/2023. 75% trong số này thuộc về doanh nghiệp FDI.
Đức Minh