Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Chứng khoán cuối năm có thể tăng nhờ định giá hấp dẫn

Tiếp đà hồi phục từ tháng 11/2023, VN-Index giữ sắc xanh trong nửa đầu năm nay. Dù chịu áp lực điều chỉnh ngắn trong tháng 4 và giảm 1,3% vào tháng 6, chỉ số của sàn HoSE vẫn tăng hơn 10% so với đầu năm. Đà đi lên này có phần khiêm tốn so với các thị trường lớn châu Á và Phố Wall (Nasdaq, S&P 500 tăng 26,35% và 18,52%), nhưng vượt trội hơn thị trường ở nhóm cận biên hay mới nổi khác – vốn đang chịu ảnh hưởng từ áp lực bán ròng của khối ngoại.

“Từ vĩ mô cho tới các yếu tố nội tại của thị trường đều cho thấy khả năng chứng khoán tích cực hơn trong nửa cuối năm”, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta, nhận xét.

Tương tự, nhóm phân tích nhiều công ty chứng khoán cũng “đặt cửa” thị trường sẽ nới rộng đà tăng. Trong báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm, SSI Research cho biết nghiêng về kịch bản chứng khoán tiếp tục xu hướng tăng, dù các biến số rủi ro vẫn hiện diện. Định giá P/E (hệ số giá trên lợi nhuận cổ phiếu) của VN-Index năm nay dự báo ở mức 11,5 lần, thấp hơn trung bình 5 năm (13,4 lần). “Với mức định giá này thì ‘cửa tăng’ của VN-Index vẫn sáng trong nửa cuối năm và sang 2025”, nhóm phân tích từ SSI Research nhận xét.

Chứng khoán MiraeAsset dự báo VN-Index hướng tới ngưỡng 1.320-1.340 điểm. Thậm chí, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) kỳ vọng chỉ số của sàn HoSE có thể cán mốc 1.400 điểm trong nửa cuối năm nay.

Theo Giám đốc phân tích của Yuanta, khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất trong tháng 9 sẽ tác động tích cực tới hai “cơn gió ngược” của thị trường là tỷ giá và dịch chuyển dòng vốn. “Khi sức mạnh đồng bạc xanh giảm bớt, áp lực lên tỷ giá sẽ hạ nhiệt. Đồng thời, dòng vốn có thể trở lại các thị trường đang phát triển trong bối cảnh định giá tại Phố Wall, nhiều thị trường lớn đã quá cao”, ông Thế Minh đánh giá.

Nửa đầu năm nay, dòng tiền dịch chuyển từ các thị trường mới nổi và cận biên về nơi phát triển. Tính từ đầu năm, khối ngoại rút ròng hơn 3,2 tỷ USD trên thị trường Thái Lan, Philippines trên 500 triệu USD, còn Indonesia khoảng 400 triệu USD. Trên HoSE, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng liên tục một năm qua, duy nhất tháng 1/2024 họ mua vào. Họ đã rút gần 65.000 tỷ đồng, riêng từ đầu năm đến nay là 46.000 tỷ (tương đương 1,6 tỷ USD).

“Khi áp lực tỷ giá giảm bớt và tương quan định giá trở nên hấp dẫn, dòng tiền của khối ngoại có thể trở lại”, Giám đốc phân tích của Yuanta nói thêm.

Với câu chuyện riêng của thị trường, chuyên gia này cho rằng việc định giá sẽ là một yếu tố cần quan tâm. Đặc điểm của thị trường trong nửa đầu năm là dòng tiền phân hóa. Một phần lý do VN-Index không biến động quá mạnh nhờ các nhóm cổ phiếu “trụ” như ngân hàng, chứng khoán chững giá, trong khi công nghệ, phân bón, vận tải biển đều tăng vọt. “Mặt bằng định giá có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành đem lại cơ hội lẫn rủi ro”, chuyên gia này nhận xét.

Theo đó, nếu xét ở khía cạnh “hấp dẫn để đầu tư”, những nhóm chưa tăng mạnh trong nửa đầu năm nay như tài chính có thể được chú ý và việc “kéo trụ” tạo động lực cho chỉ số. Ngược lại, những ngành định giá cao sẽ gặp áp lực.

Trong khi đó, nhóm phân tích của Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng, triển vọng tăng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết và dòng tiền trở lại kênh đầu tư chứng khoán sẽ là điểm tựa cho thị trường. Lợi nhuận toàn thị trường năm nay theo ước tính của PHS dự kiến tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Cơn sốt thị trường vàng có dấu hiệu hạ nhiệt, kênh đầu tư khác như bất động sản chưa phục hồi rõ nét. Do đó, dòng tiền sẽ có xu hướng chảy mạnh vào kênh đầu tư chứng khoán trong tương lai để tìm kiếm lợi nhuận”, nhóm phân tích PHS đánh giá. Bên cạnh đó, câu chuyện nâng hạng chứng khoán được dự báo là mối quan tâm hàng đầu để thu hút vốn ngoại quay trở lại.

Thị trường chứng khoán đang được hai tổ chức là MSCI và FTSE Russell xếp vào nhóm 3 – thị trường cận biên. Trong đó, FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách chờ nâng hạng lên nhóm 2 – thị trường mới nổi. Việt Nam đặt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán lên mới nổi vào 2025. Theo tính toán của World Bank, chứng khoán Việt có thể hút thêm 25 tỷ USD vốn ngoại tới 2030 nhờ nâng hạng.

Tương tự quan điểm của SSI và PHS, Công ty chứng khoán MiraeAsset cho rằng định giá P/E trung bình 10 năm sẽ tạo thêm dư địa cho đà tăng của chứng khoán. Tuy nhiên, thị trường cần những câu chuyện mới để hiện thực hóa vùng giá mục tiêu này, theo nhóm phân tích. “Chúng tôi tin VN-Index vẫn có khả năng duy trì xu hướng tăng, nhắm đến 1.320-1.340 điểm, tương ứng với tỷ lệ P/E trung bình 10 năm”, nhóm phân tích của MiraeAsset bình luận.

Đại diện cho góc nhìn thận trọng là Ballad Fund, thuộc Công ty quản lý SGI Capital. Đơn vị này cho rằng rủi ro trên thị trường chứng khoán đang tăng lên. Kinh tế hồi phục nhưng các động lực tăng trưởng chính vẫn yếu như đầu tư công, tín dụng ngân hàng đều tăng chậm, thị trường bất động sản thanh khoản thấp. Thêm vào đó, áp lực tỷ giá và kịch bản tăng lãi suất vẫn hiện hữu.

Riêng về chứng khoán, SGI Capital cho rằng thanh khoản giảm mạnh gần đây là chỉ báo về dòng tiền tham gia thị trường suy yếu. Lượng cho vay ký quỹ (vay margin) tại các công ty chứng khoán vượt đỉnh, trong đó có các khoản vay từ cổ đông lớn và chủ doanh nghiệp. Ngoại trừ các mã ngân hàng đang có định giá dưới trung bình, theo nhóm phân tích, giá cổ phiếu phần lớn các nhóm ngành khác ở ngưỡng cao trong nhiều năm.

Với những hạn chế hiện hữu, chuyên gia từ SGI Capital cho rằng cơ hội đầu tư tốt trở nên khan hiếm trong khi rủi ro gia tăng, nên cần thận trọng với thị trường. Công ty quản lý quỹ này đã rút khoảng 78,2% tài sản tại Ballad Fund, tương đương hơn 65 tỷ đồng. Hiện họ chỉ nắm hơn 18,2 tỷ dưới dạng cổ phiếu ở các ngành hàng tiêu dùng, bán lẻ, dịch vụ hàng không, tiện tích cơ bản…

Báo cáo của Chứng khoán MB (MBS) và Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tuy cùng nêu quan điểm tích cực về thị trường, đội ngũ phân tích của cả hai vẫn lưu ý về hai rủi ro chính là tỷ giá và lạm phát. Với tác động trái chiều của hai yếu tố trên, VDSC cho rằng thị trường nửa cuối năm vẫn giữ mức biến động như hai tháng qua. Cụ thể, mùa công bố kết quả kinh doanh quý II sắp tới có thể giúp VN-Index có cơ hội quay lại ngưỡng 1.300 điểm. Tuy nhiên, vấn đề tỷ giá và rủi ro tăng lãi suất điều hành có thể khiến chỉ số quay về ngưỡng 1.240 điểm hoặc thậm chí 1.180-1.220 điểm trong quý III.

Với các yếu tố tác động trái chiều, nhóm phân tích của SSI Research cho rằng sự thận trọng quan sát trong giai đoạn này là cần thiết khi rủi ro thị trường chung đang gia tăng. “Nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ đợi vùng giá thật sự hấp dẫn, tập trung câu chuyện riêng của từng cổ phiếu để giải ngân, trong khi vẫn giữ các cổ phiếu được kỳ vọng tăng trưởng mạnh”, chuyên gia của SSI Research khuyến nghị.

Minh Sơn – Tất Đạt



Leave a Comment

0.0/5