“Tôi đi khảo sát khắp nơi nhưng khó tìm, gom đủ 50 ha trồng lúa của 40 hộ thì có người đồng ý tham gia, người không”, ông Ngô Xuân Chinh, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, IASVN) kể tại “Diễn đàn thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp xanh 2024”, ngày 30/7.
Ông Chinh là một trong số chuyên gia tham gia triển khai đề án phát triển “1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp” ở Đồng bằng sông Cửu Long tới 2030.
Theo IASVN, nông nghiệp xanh là sản xuất theo phương pháp cân nhắc giữa phát triển sản xuất nông nghiệp và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, hướng tới phát triển bền vững, cân bằng hệ sinh thái. Để triển khai, nhà nông cần ứng dụng canh tác thông minh, dùng phân bón hữu cơ vi sinh, giảm hóa chất, tưới tiêu tiết kiệm và sử dụng công nghệ để quản lý.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc về hệ thống lương thực – thực phẩm lần 4 vào 2023, Việt Nam khẳng định mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm lương thực, thực phẩm minh bạch, bền vững, đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực và xuất khẩu. Đến nay, nhiều dự án nông nghiệp xanh lớn ở Việt Nam như mô hình lúa – tôm bền vững 200.000 ha tại Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang, Trà Vinh; mô hình cơ giới hóa trong thu gom rơm rạ làm nguyên liệu trồng nấm tại Đồng Tháp, Tiền Giang và Hậu Giang.
Các chuyên gia đánh giá nông nghiệp xanh đang phát triển mạnh nhưng vẫn chưa hết tiềm năng. Bởi, để triển khai sản xuất bền vững cần các vùng canh tác quy mô lớn, trong khi làm nông nghiệp tại Việt Nam đa số còn manh mún. Theo báo cáo kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020 của Tổng cục Thống kê, bình quân một nông hộ ở Việt Nam có 2,8 thửa đất, tương đương 2.026 m2, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.
Ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân TP HCM xác nhận sản xuất nhỏ lẻ là một trong các thách thức với nông nghiệp xanh. “Cần tiếp tục vận động nông dân hình thành các tổ, câu lạc bộ, hợp tác xã. Liên kết mới có thể nhân rộng các mô hình nông nghiệp xanh được”, ông nói.
Bên cạnh liên kết, ông Ngô Xuân Chinh cho rằng giải quyết vấn đề vùng sản xuất xanh phải đến từ các quy hoạch lớn. “Hiện chưa có quy hoạch cụ thể, thiếu chính sách riêng hỗ trợ sản xuất hữu cơ, mà chủ yếu lồng ghép trong các chương trình khác”, ông Chinh nêu.
Ngoài canh tác manh mún, phát triển nông nghiệp xanh còn một số thách thức như thiếu hạ tầng, chính sách liên quan đến giảm phát thải trong xử lý phụ phẩm nông nghiệp hoặc chăn nuôi. Ví dụ, đề án “1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp” đặt mục tiêu 100% rơm rạ sẽ được vận chuyển khỏi đồng ruộng, tái chế để tạo giá trị gia tăng, thay cho việc đốt tại chỗ gây phát thải carbon. Tuy nhiên, ước tính chỉ 10% lượng rơm rạ ở Việt Nam được thu gom tái chế.
Đầu ra sản phẩm nông nghiệp xanh cũng là rào cản. “Ở trong nước, không phải người TP HCM và các nơi khác không có tiền mua sản phẩm hữu cơ mà là họ không tin”, ông Chinh nói. Vì vậy, cần phát triển các hệ thống công nghệ truy xuất nguồn gốc, quảng bá các nhãn hữu cơ để khách hàng biết và tin tưởng.
Với thị trường xuất khẩu, ông Trần Chí Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), cho biết hiệp hội này đang thí điểm chọn một số hub (trung tâm hậu cầu) giữa bờ Tây (Mỹ) và Việt Nam để tạo thuận lợi về thủ tục thuế, hải quan, kiểm dịch phục vụ cho nông sản. “Khi thuận lợi đầu ra quốc tế tốt hơn, yêu cầu cao cũng bắt buộc nhà sản xuất trong nước phải áp dụng các tiêu chuẩn canh tác tốt hơn”, ông Dũng nhận định.
Nửa đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông – lâm – thủy sản đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng 2023. Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dự báo kim ngạch cả năm có thể đạt 57-58 tỷ USD, cao hơn 2-3 tỷ USD so với chỉ tiêu chính phủ giao. “Nông nghiệp đã thực sự trở thành trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế và đang được mong đợi hơn nữa, với vai trò dẫn dắt xu hướng phát triển xanh”, ông Phòng đánh giá.
Viễn Thông