Công hàm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường được Bộ trưởng Ngoại thương Costa Rica Manuel Tovar trao cho Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, ngày 5/8, tại Hà Nội.
Như vậy, Costa Rica là quốc gia thứ 73 công nhận quy chế kinh tế thị trường với Việt Nam, bên cạnh các nền kinh tế lớn khác như Anh, Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand…
“Đây là một động thái tích cực trong bối cảnh Việt Nam đang đề nghị một số đối tác thương mại công nhận quy chế kinh tế thị trường”, đại diện Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, việc Costa Rica công nhận nền kinh tế thị trường phản ánh đúng thực tế những thành tựu Việt Nam đạt được trong quá trình phát triển, hội nhập. Việc này cũng góp phần phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước.
Costa Rica là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), trong đó OECD gồm 38 quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển nhất thế giới.
Kinh tế thị trường là khi các quyết định về sản xuất, giá cả và phân phối được hình thành trên sự cạnh tranh, cung – cầu thị trường, thay vì do chính phủ hoặc các tổ chức quyết định trực tiếp. Thông thường, việc được công nhận nền kinh tế thị trường sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu có lợi thế hơn trong các vụ điều tra chống bán phá giá, trợ cấp. Khi đó, nước nhập khẩu sẽ sử dụng giá sản xuất của chính doanh nghiệp xuất khẩu, thay vì nước thứ ba có nền kinh tế thị trường khác để tính biên độ phá giá. Tức là, biên độ phá giá sẽ phản ánh đúng thực tế sản xuất của nhà xuất khẩu hơn, có thể cạnh tranh với các hàng hóa từ quốc gia khác.
Giống như nhiều quốc gia, Costa Rica có các quy định về điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Tính đến cuối năm 2023, theo thống kê của WTO, nước này đã khởi xướng điều tra 12 vụ chống bán phá giá với hàng nhập khẩu từ các quốc gia như Brazil, Chile, Mexico, Mỹ, Nicaragua, El Salvador, Venezuela và Guatemala.
Phương Dung