Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Doanh nghiệp lo đội chi phí nếu mua bán bất động sản qua sàn

Tại hội thảo góp ý cho Luật Kinh doanh bất động sản ngày 12/5, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam đánh giá quy định buộc mọi giao dịch phải qua sàn có vẻ “cứng nhắc”.

Theo ông, hiện khá nhiều chủ đầu tư đang phối hợp linh hoạt giữa đội bán hàng trực tiếp của chính doanh nghiệp và một số sàn. Nhưng thông thường, khối lượng sản phẩm tự họ bán được lớn hơn so với các sàn giao dịch. Chủ đầu tư cũng là người hiểu rõ dự án, sẽ có tư vấn chi tiết hơn môi giới, tạo thanh khoản tốt.

Ông Hiệp cho rằng chi phí hoa hồng của các sàn bên ngoài cũng gấp nhiều lần so với việc để doanh nghiệp tự bán. “Tôi nghĩ nên hạn chế việc tạo ra một cấp trung gian, tức không nhất thiết phải buộc mọi giao dịch qua sàn, nhằm giảm bớt thủ tục, chi phí”, ông nêu quan điểm.





Bất động sản khu Đông TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Bất động sản khu Đông TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Chuyên gia Nguyễn Văn Đỉnh cũng nhìn nhận quy định buộc mọi giao dịch qua sàn sẽ phát sinh thủ tục, chi phí cho cả doanh nghiệp lẫn người mua.

Ông cho biết, theo Luật công chứng, khi thực hiện công chứng hợp đồng mua bán, công chứng viên sẽ đánh giá tính pháp lý của tài sản. Công việc này sẽ bị chồng chéo với nội dung hoạt động của sàn theo dự thảo luật mới. Ngoài ra, nếu mức thu phí công chứng không quá 0,1% giá trị hợp đồng thì qua sàn, chi phí trung gian sẽ tăng lên khoảng 3-3,5%, tức tăng gấp 35 lần.

“Quy định này cũng có dấu hiệu ngăn cản quyền tự do, tự chủ kinh doanh, tìm kiếm thị trường của người dân”, ông nói.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong góp ý gửi Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội mới đây cũng cho rằng nên giữ nguyên quy định hiện hành – tức không bắt buộc mọi giao dịch phải qua sàn, thay vào đó, trao quyền quyết định việc giao dịch bất động sản cho nhà đầu tư. Điều này sẽ tạo ra cơ chế thông thoáng cho thị trường bất động sản.

Quy định chuyển nhượng bất động sản phải qua sàn, không mới. Trong Luật Kinh doanh bất động sản 2006 đã có quy định này nhưng sau đó bãi bỏ trong lần sửa đổi năm 2014 nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường địa ốc cũng như tạo điều kiện thuận lợi, giảm thiểu các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân. Theo VCCI, nếu giờ áp dụng lại, những vướng mắc cũ có thể xuất hiện, tạo thêm thủ tục cho các bên, từ đó ảnh hưởng đến lượng giao dịch trên thị trường.

Trước đó, tại dự thảo luật trình Quốc hội ngày 26/4 , Chính phủ bảo lưu quan điểm chủ đầu tư bán, cho thuê nhà hình thành trong tương lai phải qua sàn. Cơ quan này cho biết quy định trên căn cứ vào loạt chủ trương của Đảng, Trung ương và khẳng định “đã đánh giá tác động kỹ”.

Theo đó, các trường hợp mua bán, giao dịch trực tiếp (không qua sàn giao dịch, không qua công chứng) dẫn tới nhiều rủi ro cho người mua vì khó kiểm chứng chất lượng, pháp lý, giá cả của bất động sản. Đồng thời Chính phủ cũng đánh giá, quy định buộc giao dịch qua sàn cũng không làm tăng chi phí bất hợp lý cho chủ đầu tư, hay giá bán. Bởi, thay vì chủ đầu tư bỏ chi phí để tự tổ chức bán hàng, họ thuê sàn bất động sản thực hiện sẽ tiết kiệm chi phí hơn.

Dự án Luật Kinh doanh bất động sản sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10 tới.

Đức Minh

Leave a Comment

0.0/5