Một ngày cuối tháng tư, tầm đầu buổi sáng, tài xế Nguyễn Văn Thành, 52 tuổi, trú Thừa Thiên Huế, được thông quan Cửa khẩu quốc tế La Lay, huyện Đakrông (cửa khẩu giữa hai nước Việt và Lào), sau 3 ngày chờ đợi ở bãi đất tạm bên hông cửa khẩu.
Anh Thành cho biết điều khiển xe đầu kéo chở than từ tỉnh Sekong (Lào) về Việt Nam, cách cửa khẩu khoảng 120 km. Quy định tải trọng của Lào và Việt Nam khác nhau, thông thường đều quá tải trọng khi nhập cảnh vào Việt Nam. Do bãi sang tải chỉ là một vùng đất đỏ nhấp nhô, doanh nghiệp không có vị trí để bố trí xe tải và xe xúc nên các tài xế phải xếp hàng chờ đợi.
Ngoài chờ hạ tải, cửa khẩu này có hai luồng xuất và nhập khẩu, nhưng trục giao thông chưa kết nối nên chỉ mới có một luồng nhập hoạt động, khiến việc thông quan bị chậm.
Cạnh đó, quốc lộ 15D dài 12 km nối cửa khẩu với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây nhỏ hẹp, nhiều khúc cua tay áo, sụt lún do thiên tai chưa khắc phục xong khiến xe đầu kéo phải lưu thông tốc độ chậm, nhiều khi kẹt xe ở các góc cua gấp. Ngày cao điểm, xe tải xếp hàng 2 km dọc quốc lộ 15D.
Tình trạng này diễn ra từ đầu năm đến nay khi lượng xe đầu kéo nhập cảnh tăng gấp ba lần so với năm ngoái. Cơ sở hạ tầng ở Cửa khẩu quốc tế La Lay chưa hoàn thiện khiến doanh nghiệp tốn nhiều thời gian, chi phí và mất đi cơ hội gia tăng sản lượng.
Công ty cổ phần Logistics PTS Việt Nam mỗi ngày thông quan 100 xe đầu kéo chở than qua cửa khẩu La Lay, nộp ngân sách 1,5 tỷ đồng. Hạ tầng yếu và thiếu khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
“Chúng tôi phải chờ ở cửa khẩu một đến hai ngày mới thông quan. Không giải phóng được hàng, xe cũng chưa thể quay đầu. Chưa kể, xe chạy không qua Lào cũng bị kẹt đường”, ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc PTS Việt Nam cho hay. Đầu năm nay, để đẩy nhanh tiến độ nhập hàng, doanh nghiệp này hỗ trợ 400 triệu đồng bằng vật tư làm đường nối cửa khẩu với quốc lộ 15D.
Lượng xe thông quan ít dẫn đến lượng hàng về bị giảm rất lớn, gián tiếp giảm nguồn thu thuế cho tỉnh Quảng Trị. “Thời điểm này là mùa khô, rất tốt để chúng tôi tăng sản lượng. Hiện, than về chừng nào tiêu thụ hết chừng đó, chúng tôi không có than để giao”, ông Huy nói. Doanh nghiệp này có 500 đầu xe và kỳ vọng tăng lượng xe thông quan hàng ngày lên 200-300 chiếc nếu hạ tầng tại La Lay hoàn thiện, đồng bộ. Tương lai, doanh nghiệp đặt mục tiêu nhập 5 triệu tấn than mỗi năm.
Ông Huy thông tin các mỏ than tại tỉnh Sekong có trữ lượng đến 600 triệu tấn. Sắp đến, doanh nghiệp phía Lào tăng sản lượng lên 10 triệu tấn mỗi năm. “Nếu Việt Nam không đẩy mạnh thông quan, chúng ta sẽ mất cơ hội cạnh tranh với Thái Lan. Bạn hàng bắt buộc phải có lựa chọn khác”, ông Huy nói.
Hiện nay, tuyến đường về cửa khẩu La Lay là lựa chọn duy nhất, vì khoảng cách gần, độ dốc tuyến đường thấp, chi phí hợp lý. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang nghiên cứu các tuyến đường khác để đẩy nhanh tiến độ nhập hàng.Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn mỗi ngày thông quan 70 đến 90 xe đầu kéo chở than từ Lào.
Đơn vị này mong muốn đạt con số 150 xe mỗi ngày khi hạ tầng tại đây hoàn thiện. “Mỗi ngày chúng tôi đóng 800 triệu đến một tỷ tiền thuế. Cơ sở hạ tầng tốt, xe thông quan nhiều thì cả doanh nghiệp và tỉnh đều tăng nguồn thu”, ông Đinh Văn Đương, đại diện Hoành Sơn cho hay.
Cuối tháng 3/2023, trong công văn gửi UBND tỉnh Quảng Trị, Bí thư tỉnh Salavan (Lào) Da Vong Phonkeo cho hay việc vận chuyển than từ Lào qua Việt Nam bằng xe tải không đạt kế hoạch, gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp Lào “tìm nhiều kênh để xuất khẩu than nhưng không đáp ứng kế hoạch đề ra”.
Ông cho hay việc xuất khẩu than góp phần phát triển kinh tế xã hội của hai nước, mang lại lợi ích thiết thực nhân dân hai bên, thúc đẩy thương mại, đầu tư, tận dụng cơ hội, nhu cầu của thị trường.
Ông Phonkeo đề xuất xây dựng băng tải than ở khu vực biên giới tại cửa khẩu La Lay, và đề nghị tỉnh Quảng Trị hết sức hỗ trợ. Ông cho hay doanh nghiệp đã trình phương án này lên Thủ tướng Lào và được chấp thuận.
Theo Sở Công thương Quảng Trị, từ năm 2021 đến cuối tháng 3/2023, than đá nhập qua cửa khẩu La Lay đạt 800.000 tấn, trị giá 70 triệu USD. Đặc biệt, lượng hàng 4 tháng đầu năm nay gần bằng cả năm 2022.
Thủ tục thông quan với mặt hàng than hết sức thuận lợi, kịp thời nhưng vẫn còn nhiều hạn chế về hạ tầng khiến không thể tăng khả năng thông quan. Đó là hạ tầng tại cửa khẩu yếu, quốc lộ 15D nhỏ hẹp, phương tiện phải hạ tải mới được vào nội địa, kho bãi hạ tải chưa có.
Trước mắt, tỉnh Quảng Trị hoàn thiện hạ tầng tại La Lay, cụ thể đường trục trung tâm kết nối quốc lộ 15D, san nền bãi chờ nhập, chờ xuất. Tỉnh Quảng Trị đang xin Chính phủ cho phép phương tiện quá tải vào nội địa khoảng 10-15 km rồi hạ tải, hỗ trợ công ty Hoành Sơn nghiên cứu, xây dựng kho chứa than, băng tải chuyển than nối giữa hai kho ở hai nước Việt Nam – Lào.
Các giải pháp trước mắt nhằm tạo điều kiện doanh nghiệp nhập khẩu than vận chuyển về cảng biển trong nước. Về lâu dài, tỉnh đầu tư, xây dựng tuyến đường 15D nối thẳng từ cửa khẩu La Lay về cảng biển Mỹ Thủy. Quảng Trị cũng đề nghị Trung ương bố trí vốn hoàn thiện hạ tầng tại La Lay, giới thiệu, kêu gọi doanh nghiệp có năng lực tham gia lĩnh vực logistics trên địa bàn.
Cửa khẩu quốc tế La Lay, huyện Đakrông nối 4 tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan với các cảng biển ở miền Trung. Từ đầu năm, than nhập từ Lào vào Việt Nam tăng đột biến, khiến cửa khẩu quốc tế La Lay thường xuyên lâm vào tình trạng quá tải. Hiện mỗi ngày cửa khẩu có 350-400 lượt phương tiện, chủ yếu là xe đầu kéo chở than làm thủ tục nhập cảnh, tăng gấp 3 lần so với bình quân năm 2022.
Ông Lê Cẩm An, Chi cục phó Hải quan Cửa khẩu La Lay, cho hay từ đầu năm đến nay, hơn 31.000 lượt phương tiện xuất nhập cảnh, trọng lượng hàng hóa đạt 450.000 tấn. Đến nay, đơn vị thu ngân sách hơn 119 tỷ đồng, đạt 50% chỉ tiêu năm.