Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng vắng mặt trong nhóm lớn nhất toàn cầu

Năm 1995, khi tạp chí Fortune (Mỹ) lần đầu công bố danh sách Global 500 của thời hiện đại, công ty đứng đầu danh sách lớn nhất khi đó là Mitsubishi (Nhật Bản). Với 176 tỷ USD, “doanh thu của Mitsubishi còn lớn hơn AT&T, Dupont, Citicorp và P&G cộng lại”, Fortune cho biết. Global 500 là danh sách thường niên của Fortune, xếp hạng 500 công ty lớn nhất thế giới theo doanh thu.

Trong top 10 còn có 5 công ty khác của Nhật Bản, gồm Mitsui, Itochu, Sumitomo, Marubeni và Nissho Iwai (sau này là Sojitz). Nhật Bản là nước đóng góp nhiều đại diện thứ hai trong danh sách này, với 149 công ty. Đứng đầu là Mỹ với 151. Dù vậy, các công ty Nhật Bản trong top 500 có tổng doanh thu lớn nhất thế giới, vượt cả Mỹ và châu Âu.

Nhưng sau 28 năm, tình hình trở nên hoàn toàn khác. Theo danh sách công bố đầu tháng, Nhật Bản năm nay có 41 đại diện trong Global 500, thấp hơn nhiều Mỹ và Trung Quốc đại lục, với lần lượt 136 và 135 công ty.





Số công ty Nhật Bản (đen), Trung Quốc (đỏ), Mỹ (xanh), châu Âu (xám) trong Global 500 qua các năm. Đồ thị: Fortune

Số công ty Nhật Bản (đen), Trung Quốc (đỏ), Mỹ (xanh), châu Âu (xám) trong Global 500 qua các năm. Đồ thị: Fortune

Các công ty Nhật Bản trong danh sách cũng chỉ có tổng doanh thu 2.800 tỷ USD năm ngoái, tương đương 6,8% toàn cầu. Tỷ lệ này của Mỹ là 31,8% và Trung Quốc là 27,5%.

Toyota Motor là công ty Nhật Bản lớn nhất trong danh sách, xếp thứ 19 với 274 tỷ USD doanh thu. Còn Mitsubishi đã lùi về vị trí 45 với 159 tỷ USD.

Fortune cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến Nhật Bản từ đất nước thống trị Global 500 cách đây 30 năm lại tụt dốc mạnh đến vậy. Đó là đồng yen yếu, ít công ty mang tính đột phá và sự trỗi dậy của Trung Quốc. Đây cũng chính là các thách thức mà kinh tế Nhật Bản nói chung đang phải đối mặt.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc

Năm 1995, Trung Quốc chỉ có ba đại diện vào top 500. Nhưng hiện tại, họ đã có 135, thay thế rất nhiều đại diện Nhật Bản. Thậm chí, doanh nghiệp Trung Quốc hiện còn lấn sân nhiều mảng thế mạnh của Nhật Bản. Đầu năm nay, Trung Quốc vượt Nhật Bản để trở thành nước xuất khẩu ôtô lớn nhất thế giới. Một phần nguyên nhân là lĩnh vực xe điện bùng nổ, với các doanh nghiệp như hãng xe BYD và hãng pin CATL.

Đồng yen yếu

Biến động của nội tệ cũng có thể lý giải sự tuột dốc của các doanh nghiệp Nhật Bản trong Global 500. Một năm qua, giá yen giảm 20% so với USD, khiến doanh thu quy đổi sang USD cũng thấp hơn.

Ví dụ, doanh thu của Toyota Motor năm 2022 sẽ tương đương 331 tỷ USD nếu đổi theo tỷ giá năm 2021. Việc này sẽ giúp họ lọt top 10.





Xe điện của Toyota trưng bày tại Tokyo (Nhật Bản). Ảnh: Reuters

Xe điện của Toyota trưng bày tại Tokyo (Nhật Bản). Ảnh: Reuters

Đồng yen yếu giúp hàng xuất khẩu của Nhật Bản rẻ hơn, nhưng cũng làm hàng nhập khẩu đắt đỏ hơn. Các doanh nghiệp Nhật Bản hiện phải đối mặt với chi phí năng lượng và các hàng hóa nhập khẩu khác cao hơn.

“Nhật Bản tham gia vào việc nhập khẩu nguyên liệu thô từ khắp nơi trên thế giới, sau đó xử lý, làm chúng tăng giá trị thặng dư và bán đi. Vì thế, nội tệ yếu không có lợi trong hoàn cảnh này”, CEO Fast Retailing (công ty mẹ Uniqlo) Tadashi Yanai cho biết hồi tháng 4/2022.

Xuất khẩu bất ngờ tăng mạnh đã giúp GDP Nhật Bản tăng 6% quý trước. Đây là dấu hiệu gián đoạn chuỗi cung ứng vì đại dịch đã hạ nhiệt. Dù vậy, chi tiêu nội địa vẫn thấp, khiến nền kinh tế lớn thứ ba thế giới chịu nhiều sức ép hậu đại dịch.

Nhật Bản bỏ lỡ sự bùng nổ công nghệ

Vấn đề lớn hơn cả là kinh tế Nhật Bản đã trì trệ suốt thời gian dài, khiến cơ hội tăng trưởng cho các công ty lâu năm và các startup ngày càng ít. Thập kỷ qua, GDP Nhật Bản chỉ tăng 5,3%. Trong khi đó, Mỹ tăng 23% và Trung Quốc đại lục tăng 83%.

Norihiro Yamaguchi – nhà kinh tế học tại Oxford Economics cho rằng các công ty Nhật Bản đã bỏ lỡ đợt bùng nổ Internet, nếu so với các nền kinh tế lớn khác như Mỹ hay Trung Quốc. Ông cho rằng nguyên nhân là ở nền văn hóa đầu tư thận trọng. “Các công ty Nhật Bản có xu hướng tập trung cắt giảm chi phí/nhân sự, thay vì tăng doanh thu hoặc mở mảng kinh doanh mới”, ông nói.

Nhật Bản cũng chưa có công ty nào trong nhóm Big Tech, như Alphabet, Microsoft, Alibaba hay Tencent. “Không như Trung Quốc, Nhật Bản chưa chứng kiến sự trỗi dậy của lớp doanh nhân mới như Jack Ma của Alibaba hay Pony Ma của Tencent”, Vasuki Shastry – nhà nghiên cứu tại Chatham House nhận xét. Chuyên gia này cho rằng nguyên nhân là “việc cải cách cấu trúc và kinh tế ì ạch không tạo ra được động cơ cho đột phá”.

Một số công ty Nhật Bản đã ở trong danh sách của Fortune hàng chục năm, nhưng đại diện mới gần như không có. “Việc thiếu các công ty thành công mới khiến hiện diện của Nhật Bản trong danh sách ngày càng co lại”, Yamaguchi cho biết.

Ngược lại, Mỹ và Trung Quốc có nhiều cái tên mới nổi. Tesla là một ví dụ. Hãng xe điện này được đưa vào danh sách Global 500 cách đây 3 năm, và giờ đã lên thứ 152, xếp trên ba phần tư doanh nghiệp Nhật Bản trong này.

Hà Thu (theo Fortune)



Leave a Comment

0.0/5