Cơ quan Sở hữu trí tuệ Canada chấp thuận bảo hộ độc quyền cho 2 nhãn hiệu gồm “Ben Tre Pomelo & Device” cho bưởi da xanh và “Ben Tre Coconut & Device” của dừa xiêm xanh. Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre là chủ sở hữu của 2 nhãn hiệu chứng nhận này.
Chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu chứng nhận là tài sản trí tuệ, công cụ pháp lý để ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu. Việc được công nhận bảo hộ nhãn hiệu là tiền đề để nông sản thương hiệu “Ben Tre” xuất khẩu. Vì vậy, tỉnh này chọn Canada – thị trường có tiêu chuẩn cao hàng đầu thế giới để xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương.
Hồi đầu năm 2018, dừa xiêm xanh Bến Tre đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. UBND tỉnh là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, diện tích vườn dừa của tỉnh đạt gần 79.900 ha, chiếm khoảng 42% cả nước, sản lượng 708 triệu trái mỗi năm.
Năm ngoái, giá trị sản xuất chế biến dừa đạt 3.750 tỷ đồng, xuất khẩu đạt 420 triệu USD. Các sản phẩm dừa của Bến Tre đã có mặt tại hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm thị trường tiêu chuẩn cao như châu Âu, Mỹ, Trung Đông.
Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm từ dừa trên thế giới dự báo ngày càng tăng, đến 2025 tăng 10%, theo Hiệp hội dừa châu Á- Thái bình Dương. Các sản phẩm như kẹo dừa, dầu dừa… đang rộng mở cơ hội. Vì vậy, Bến Tre đặt mục tiêu đến 2030 có 80.000 ha diện tích trồng loại nông sản này, trong đó 25.000 ha dừa hữu cơ.
Với bưởi da xanh, tỉnh có 16 vùng trồng, trên 366 ha. Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá bưởi da xanh Bến Tre có chất lượng hàng đầu trong các vùng trồng trên cả nước.
Dỹ Tùng