Khi đề cập đến sự phổ biến của xe điện trên thế giới, phần lớn mọi người sẽ nghĩ đến Tesla – hãng xe dẫn đầu toàn cầu hiện tại. Tuy nhiên, thương hiệu bán chạy nhất tại các thị trường xe chạy nhiên liệu sạch mới nổi ở Brazil, Israel và Thái Lan lại không phải Tesla, mà là BYD. Hãng xe điện Trung Quốc đang ngày càng hiện diện nhiều trên các con phố từ Sydney (Australia), Delhi (Ấn Độ) đến Motevideo (Uruguay).
Quý I năm nay, BYD đã vượt Volkswagen thành thương hiệu xe bán chạy nhất Trung Quốc – thị trường xe hơi lớn nhất thế giới. Đây là đòn giáng vào sự thống trị của Volkswagen tại đây suốt 15 năm qua. BYD chiếm 39% doanh số xe chạy nhiên liệu mới (điện hoặc điện – xăng), theo số liệu của Hiệp hội Xe chở khách Trung Quốc.
BYD cũng đang tích cực mở rộng ra thế giới. Gần đây, họ tiến vào thị trường Mexico, Tây Ban Nha và Anh. Tháng này, họ lên kế hoạch thử vận may ở Italy, với một buổi tiệc ra mắt tại Turin – quê hương của hãng xe Fiat. Sau khi xuất khẩu lô xe đầu tiên sang Na Uy năm 2021, họ hiện còn bán sang Singapore, Thụy Điển. Đây là những thắng lợi thực sự với một thương hiệu hàng tiêu dùng Trung Quốc.
“BYD đột ngột trở thành một trong những hãng xe lớn nhất thế giới”, Steve Westly – cựu giám đốc Tesla cho biết.
BYD hiện được điều hành bởi nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Wang Chuanfu. Tên hãng là từ viết tắt của Build Your Dreams (Xây dựng giấc mơ của bạn). Hãng xe này cũng là ví dụ cho tham vọng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đó là tăng quyền lực của nước này trên thế giới. BYD đã bán sản phẩm sang 53 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Berkshire – công ty đầu tư của Warren Buffett – lần đầu rót tiền vào BYD năm 2008 với 22 triệu USD. Buffett từng khen ngợi Wang Chanfu và còn đến thăm nhà máy của công ty này ở Trung Quốc năm 2010.
BYD được ưa chuộng nhờ thiết kế bắt mắt, nhiều tính năng và giá cả phải chăng. Mẫu hatchback điện mới nhất của hãng – Seagull – có giá khởi điểm chỉ 10.400 USD. Động cơ 55 kW, pin 30 kWh, khả năng chạy liên tục 300 km sau mỗi lần sạc và tốc độ tối đa gần 130 km một giờ.
BYD tự sản xuất nhiều linh kiện, từ đó kiểm soát chi phí tốt hơn và giảm được giá thành sản xuất. Không như nhiều hãng xe điện khác, họ tự làm pin và hiện là hãng sản xuất pin lớn nhì thế giới. BYD cũng tự làm các sản phẩm bán dẫn. Việc này giúp họ không trải qua giai đoạn thiếu chip như các hãng xe khác trong đại dịch.
Tại trụ sở của BYD ở ngoại ô Thâm Quyến, hàng chục nghìn nhân viên đang làm việc tại hơn 10 tòa nhà văn phòng và nhà máy. Họ di chuyển qua lại bằng đường sắt trên cao do chính BYD xây dựng. Ở đây còn có ký túc xá cho nhân viên và bảo tàng vinh danh hàng trăm kỹ sư cũng như các thành tích tài chính của công ty. Một bức tường trong này vẽ biểu đồ doanh thu của BYD, từ gần như bằng 0 năm 1995 đến 424 tỷ nhân dân tệ (60 tỷ USD) năm 2022.
Năm ngoái, BYD bán 1,8 triệu xe chạy năng lượng mới, hơn gấp đôi 4 năm trước cộng lại. Số nhân viên của họ trên toàn cầu cũng tăng gấp đôi, lên 570.000 người. Con số này cao hơn 200.000 so với hãng xe lớn nhất thế giới hiện tại là Toyota Motor. Năm ngoái cũng đánh dấu bước ngoặt với doanh thu quốc tế của BYD. Hãng này chỉ mới xuất khẩu xe năm 2021.
Về doanh thu từ thị trường “quê nhà”, 75% nguồn thu của BYD hiện vẫn đến từ Trung Quốc. Trái lại, Tesla ghi nhận một nửa doanh thu từ Mỹ. Toyota thậm chí chỉ có 25% doanh thu từ Nhật Bản.
Năm nay, BYD đặt mục tiêu bán 3,7 triệu xe điện hoàn toàn và xe chạy điện xăng. Trong khi đó, Tesla cho biết họ có thể sản xuất 2 triệu xe điện năm 2023. Dù vậy, BYD có lợi thế hơn do Musk chỉ sản xuất xe thuần điện.
BYD đã trở thành hãng xe chạy năng lượng sạch hàng đầu tại Brazil, Colombia, Israel và Thái Lan trong quý I. Tại các nước này, họ đã vượt BMW, Renault và cả các đối thủ đồng hương Zhejiang Geely, Hozon New Energy Automobile. Còn tại Australia, Ấn Độ và New Zealand, họ hiện nằm trong top 5.
Michael Barnden – một giáo viên về hưu tại Adelaide, Australia hồi tháng 11/2022 chuyển sang dùng xe điện 5 chỗ BYD Atto 3. Đây không phải là lần đầu tiên Barnden dùng xe điện. Cách đây 4 năm, ông đã mua xe chạy hybrid Hyundai Ioniq. Nhưng khi đọc được quảng cáo về Atto 3, với tính năng sưởi ấm ghế ngồi và khoảng cách chạy 480 km, ông đã chuyển sang loại này.
Cách đó nửa vòng trái đất, xe điện BYD cũng thu hút các khách hàng như Facundo Fernandez – một tài xế taxi ở Montevideo (Uruguay). Anh quyết định mua BYD vì nó rẻ hơn các thương hiệu phương Tây.
“Giá xăng ở Uruguay rất đắt”, Fernandez giải thích. Chỉ cần mất khoảng 500 peso (13 USD) sạc pin, xe của anh có thể đi được 400 km. Nhưng nếu đổ đầy bình xăng, anh sẽ mất 2.500 – 3.000 peso.
Fernandez nói rằng năm sau, anh sẽ mua một chiếc BYD to hơn, để khách ngồi thoải mái hơn. “Các thương hiệu Trung Quốc cạnh tranh được vì có tính năng tương tự mà giá lại rẻ hơn”, anh nói.
Quá trình tiến ra thế giới của BYD vẫn còn thiếu một thị trường quan trọng. Đó là Mỹ. Dù đã bán bus điện tại đây, BYD hiện chưa có kế hoạch thâm nhập thị trường xe con. Đạo luật Giảm lạm phát của Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ ưu đãi thuế cho xe điện sản xuất tại Bắc Mỹ. Stella Li – Giám đốc phụ trách khu vực Bắc Mỹ của BYD cho biết công ty không nhất thiết phải tham gia tất cả thị trường. Họ chỉ hiện diện ở những nơi cảm thấy sẵn sàng.
Nhiều chính phủ châu Âu và Đông Nam Á cũng quan tâm đến BYD. Công ty này đang thảo luận với giới chức về việc xây nhà máy ở Pháp, tờ Les Echos cho biết hồi tháng 5. Tháng trước, BYD cũng xác nhận với Bloomberg có kế hoạch sản xuất ở Việt Nam để bán tại chỗ và xuất khẩu Đông Nam Á.
Hãng xe này đang xây nhà máy tại Thái Lan. Đây sẽ là nhà máy đầu tiên của họ ở nước ngoài. Họ cũng đang cân nhắc sản xuất ở Philippines và Indonesia. Tại Brazil, Ford Motor đang đàm phán bán một trong các nhà máy ở Bahia cho BYD.
“Những điều họ đã làm được trong thời gian ngắn thật đáng kinh ngạc”, Westly kết luận.
Hà Thu (theo Bloomberg)