Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Lãng phí hàng trăm nghìn tỷ đồng khi dự án đầu tư rồi ‘đắp chiếu’

Ông Nguyễn Hữu Thông, Phó trưởng đoàn chuyên trách Bình Thuận nhìn nhận lãng phí là lực cản lớn của phát triển đất nước. Theo ông, ngoài lãng phí do bộ máy cồng kềnh, hiện tồn tại sự lãng phí lớn ở các dự án đầu tư dở dang, đắp chiếu khắp cả nước.

“Về tài chính, lãng phí khu vực này có thể lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Song hệ lụy nó gây ra khó đo đếm hết”, ông nói.

Một trong số hệ lụy được ông Thông nhắc tới là lãng phí niềm tin nhân dân. Ông dẫn chứng, loạt dự án điện gió, mặt trời được nhà đầu tư bỏ vốn làm nhưng nhiều năm qua chưa thể đưa vào vận hành do vướng cơ chế, hay hàng chục nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang tại các thành phố lớn.

Nhìn nhận thực trạng này ở góc độ nhà đầu tư, doanh nghiệp hay cơ quan quản lý Nhà nước, theo ông Thông, đều là sự lãng phí của cải, nguồn lực xã hội.





Ông Nguyễn Hữu Thông, Phó trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Bình Thuận phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế xã hội, sáng 4/11. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Ông Nguyễn Hữu Thông, Phó trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Bình Thuận phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế xã hội, sáng 4/11. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) hồi giữa năm, hiện tượng nhà tái định cư bỏ hoang không còn hiếm gặp, riêng Hà Nội và TP HCM có ít nhất 13.000 căn. Không riêng dự án tái định cư, hàng nghìn biệt thự, nhà liền kề tại Hà Nội, TP HCM được chủ đầu tư xây xong nhiều năm, song tới nay vẫn bỏ trống.

Ông Đào Hồng Vận, Trưởng đoàn đại biểu Hưng Yên cũng nói ngoài khu vực công, cần chống lãng phí trong lĩnh vực đầu tư tư nhân. Ông lo ngại thủ tục hành chính không được cải cách, cơ chế không được tháo gỡ kịp thời, tình trạng dự án đắp chiếu vẫn tái diễn. “Đây là sự lãng phí lớn nguồn lực xã hội, cần giải pháp khắc phục”, ông Vận nêu.

Thực tế, tại kỳ họp thứ 8 đang diễn ra, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, với định hướng đồng hành, kiến tạo chứ không hợp tác hóa sai phạm. Chẳng hạn, dự án luật một luật sửa 4 luật lĩnh vực đầu tư (Luật Đầu tư, Đấu thầu, Đối tác công tư – PPP, Đấu thầu)…

Ông Nguyễn Hữu Thông kiến nghị Chính phủ tiếp tục rà soát các dự án công trình qua thanh tra, kiểm tra hay chậm tiến độ do gặp khó vì văn bản pháp luật… để tháo gỡ. “Chúng ta có thể ban hành cơ chế đặc thù nhằm gỡ vướng ở địa phương cụ thể, sau đó nhân rộng tại nhiều tỉnh, thành phố”, ông Thông gợi ý.

Phó trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Bình Thuận nhắc lại thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm, rằng “phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, nhân dân”.

Cũng tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại về sức khỏe doanh nghiệp nội địa. Theo báo cáo của Chính phủ, 9 tháng đầu năm, bình quân mỗi tháng khoảng 18.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Số giải thể, ngừng hoạt động tăng cao hơn đơn vị thành lập mới.

Tỷ lệ doanh nghiệp phá sản tăng, theo ông Nguyễn Văn Thi, Bí thư huyện ủy Lạng Giang (Bắc Giang), do tình trạng hấp thụ vốn, sản xuất kinh doanh của họ gặp khó.

Để doanh nghiệp nội địa có thể phục hồi, ông Trình Lam Sinh, Phó trưởng đoàn chuyên trách tỉnh An Giang đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ chính sách, giúp các thành phần kinh tế trong nước tháo gỡ khó khăn.

“Các chính sách hỗ trợ cần quyết liệt hơn, nhằm bảo hộ và kích cầu tiêu dùng trong nước trước sự thâm nhập của hàng giá rẻ nước ngoài qua các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội”, ông Sinh góp ý.

Anh Minh



Leave a Comment

0.0/5