Đại diện LPBank cho biết việc thay đổi tên gọi không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, quyền lợi của khách hàng, đối tác và cổ đông.
Việc thay đổi tên gọi, nhận diện thương hiệu đánh dấu khởi đầu giai đoạn phát triển, hướng tới những giá trị mới của LPBank. Trước đó, kế hoạch thay đổi tên thương mại đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua vào ngày 17/4.
Từ năm 2011 đến nay, ngân hàng sử dụng tên gọi Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt trên tất cả văn bản pháp lý và các kênh truyền thông. Đại diện nhà băng lý giải tên gọi mới: Lộc mang ý nghĩa sự may mắn, mở ra cơ hội hợp tác và phát triển kinh doanh; Phát là kết quả tốt đẹp của sự hợp tác và phát triển. Tên gọi đồng thời thể hiện tầm nhìn của ngân hàng nhằm tiến tới sự phát triển đột phá hơn trong tương lai.
Hơn 16 năm phát triển, LPBank chủ động bám sát các chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Từ khi thành lập năm 2008, ngân hàng tạo nhiều dấu ấn trên thị trường, từng lọt Top 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu cao nhất toàn cầu năm 2024. Nhà băng hiện có hơn 1.200 điểm giao dịch trải dài 63 tỉnh thành.
Ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch hội đồng quản trị LPBank nhấn mạnh, ngân hàng quyết định thay đổi tên để phù hợp với giai đoạn phát triển mới, mang lại hiệu quả toàn diện, phát triển bền vững và thận trọng. Tên gọi Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam thể hiện sự đồng nhất giữa tên thương mại, tên viết tắt LPBank và mã chứng khoán LPB. Những chiến lược mới được kỳ vọng giúp gia tăng tối đa giá trị lợi ích cho cổ đông, đối tác và khách hàng.
Đại diện ngân hàng cho biết sẽ xem xét trình Đại hội đồng cổ đông phê duyệt điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ năm nay thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông bất thường dự kiến vào tháng 9. Tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến là 16,8%. Sau phát hành, dự kiến vốn điều lệ của đạt 29.872 tỷ đồng, thuộc top các nhà băng có vốn điều lệ cao.
Trước đó, Đại hội đồng cổ đông LPBank cũng thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với lợi nhuận trước thuế đạt mức 10.500 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2023. Nguồn vốn huy động thị trường ước tăng 11% lên 317.380 tỷ đồng.
Thái Anh