Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Ngân hàng đề xuất kết nối trực tiếp với dữ liệu dân cư quốc gia

Tại hội thảo kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh ngày 16/6, đại diện các bộ, ngành nhắc tới nhiều lần về việc kết nối và chia sẻ dữ liệu đa bên.

Từ 24/4, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an đã ký kết Kế hoạch 01 về triển khai khai thác, kết nối dữ liệu dân cư với mục tiêu làm sạch dữ liệu ngân hàng, tiến tới xác thực định danh điện tử, đảm bảo chính chủ khách hàng sử dụng dịch vụ và thanh toán. Quá trình làm sạch và xác thực theo Ngân hàng Nhà nước, được các ngân hàng rốt ráo và chủ động thức hiện mà không chờ vào chỉ đạo từ trên xuống

Tuy nhiên, việc khai thác dữ liệu theo ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, vẫn gặp những vướng mắc về chia sẻ thông tin hai chiều giữa cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia và dữ liệu của ngân hàng.

Cơ quan này mong muốn được kết nối trực tiếp với dữ liệu dân cư, để có thể cập nhật thông tin của khách hàng vốn đang dùng chứng minh nhân dân cũ, cũng như ứng dụng vào chấm điểm tín dụng khách hàng.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng nhận định: “Khai thác, phân tích và kết nối dữ liệu là yếu tố quyết định tạo nên thành công của quá trình thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động chuyển đổi số trong ngành ngân hàng”.

Trong thời đại kỹ thuật số, dữ liệu có thể được sử dụng để hiểu, nắm bắt hành vi và xu hướng tiêu dùng của khách hàng, giúp các ngân hàng, doanh nghiệp xác định các cơ hội mới, đưa ra quyết định đúng đắn hơn và nâng cao hiệu quả hoạt động, ông Dũng nói.





Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Phạm Tiến Dũng

Phó thống đốc Phạm Tiến Dũng. Ảnh: Ngân hàng Nhà nước

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty Thanh toán quốc gia (Napas) – đơn vị cung cấp giải pháp hạ tầng thanh toán quốc gia, đánh giá mức độ quan trọng của việc kết nối và chia sẻ hạ tầng. Hơn 20 năm trước, dữ liệu giao dịch chỉ thực hiện trong ngành ngân hàng, tuy nhiên ngày nay đã có sự kết nối, chia sẻ với sự tham gia của các trung gian thanh toán, giúp thanh toán không tiền mặt phát triển mạnh hơn.

“Chúng tôi mong muốn toàn bộ nền kinh tế có thể tận dụng hạ tầng của ngành ngân hàng, đồng nghĩa với việc tất cả chủ thẻ do các ngân hàng phát hành có thể chi tiêu trong nhiều lĩnh vực, đơn cử như giao thông công cộng”, ông Hùng chia sẻ.

Ông Phạm Quang Toàn, Cục trưởng Công nghệ thông tin (Tổng cục thuế) tại hội thảo cũng chia sẻ về kế hoạch bỏ mã số thuế và tiến tới dùng căn cước công dân để thay thế. Theo ông, đây là nội dung quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính, nhờ vào kết nối với dữ liệu dân cư quốc gia.

Điều này sẽ tạo thuận lợi cho người nộp thuế cũng như giúp việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý dễ dàng hơn. Để làm được điều này phải đồng bộ dữ liệu về thuế với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia và làm sạch dữ liệu, ông Toàn nói.

Hiện nay, ngành thuế đã cấp 75 triệu mã số thuế cá nhân, chủ hộ, cá nhân kinh doanh và người phụ thuộc. Tới nay, cơ quan này đã làm sạch được khoảng 52 triệu mã số thuế, qua đó phát hiện nhiều trường hợp chỉ một người nhưng có nhiều mã số thuế hoặc có người đã chết hoặc mất tích.

Ông Toàn nói ngành thuế phải kết nối trao đổi thông tin với các bộ ngành, càng nhiều thông tin thì mới quản lý tốt. Tại các nước trên thế giới, thuế là cơ quan cần nhiều thông tin nhất, như ở Australia, ngành này có 2.000 thông tin liên quan, là kho cơ sở dữ liệu lớn nhất.

Tuy nhiên, ông Vũ Văn Tấn, Phó cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, nói 2023 là năm của tạo lập dữ liệu và việc đầu tiên phải tính tới là làm sao có hành lang pháp lý về kho dữ liệu dùng chung.

“Thay vì ngân hàng phải đến từng đơn vị như ngành thuế hay bảo hiểm để tiếp cận dữ liệu gây ra rủi ro về mất an toàn thông tin, việc sử dụng kho dữ liệu dùng chung này sẽ giúp các bên khai thác và sử dụng một cách an toàn, bảo vệ dữ liệu cho người dân và doanh nghiệp”.

Quỳnh Trang



Leave a Comment

0.0/5