Khi châu Á ngày càng phát triển và đóng vai trò lớn hơn trong kinh tế toàn cầu, các doanh nhân khu vực này cũng mở rộng tầm ảnh hưởng trên thế giới. Các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo của Mukesh Ambani, hay tầm nhìn về thương mại điện tử toàn cầu của Jack Ma được cho là sẽ tiếp tục đóng góp cho thế giới trong nhiều năm tới.
Theo SCMP, dưới đây là các doanh nhân quyền lực nhất châu Á. Những người này không chỉ sở hữu khối tài sản lớn, mà còn có hoạt động kinh doanh đa dạng cùng nhiều sáng kiến từ thiện có ảnh hưởng đáng kể trong khu vực.
1. Mukesh Ambani – 87 tỷ USD
Ambani là Chủ tịch kiêm cổ đông lớn nhất của Reliance Industries – công ty giá trị nhất Ấn Độ. Mukesh hiện cũng là người giàu nhất Ấn Độ và châu Á. Năm 2020, ông từng lọt top 10 người giàu nhất thế giới.
Reliance đầu tư vào nhiều lĩnh vực, từ viễn thông, năng lượng đến bán lẻ tại cả nông thôn và thành thị Ấn Độ. Đầu năm 2022, Ambani còn công bố kế hoạch rót 80 tỷ USD vào năng lượng tái tạo.
Thông qua quỹ Reliance Foundation, Ambani đã thực hiện nhiều sáng kiến từ thiện trong các lĩnh vực giáo dục, số hóa, xoa dịu thảm họa tự nhiên, chăm sóc y tế và phát triển nông thôn. (Ảnh: Bloomberg)
2. Zhong Shanshan – 62 tỷ USD
Zhong là nhà sáng lập Nongfu Spring – hãng nước uống đóng chai tại Trung Quốc. Ông cũng là nhà sáng lập hãng sản xuất vaccine Beijing Wantai Biological Pharmacy Enterprise. Đây là nhà cung cấp lớn về kit test Covid-19 tại Trung Quốc và trên thế giới. Tỷ phú làm từ thiện trong nhiều lĩnh vực, từ giáo dục, nước sạch tại nông thôn Trung Quốc, phát triển bền vững và giảm nghèo. (Ảnh: Reuters)
3. Zhang Yiming – 45 tỷ USD
Zhang là đồng sáng lập kiêm cựu CEO ByteDance – công ty mẹ của ứng dụng video ngắn TikTok. Zhang được đánh giá là người có tầm nhìn trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra các nội dung được cá nhân hóa. Ông cũng tham gia nhiều hoạt động từ thiện tại Trung Quốc, như phòng chống Covid-19, hỗ trợ giáo dục và có nhiều sáng kiến về môi trường. (Ảnh: VCG)
4. Gautam Adani – 44 tỷ USD
Adani là Chủ tịch Adani Group – đế chế đa ngành của Ấn Độ với các mảng kinh doanh từ năng lượng, cơ sở hạ tầng đến quốc phòng. Phần lớn tài sản của ông hình thành trong 3 năm gần đây, nhờ chuyển đổi sang năng lượng xanh và cơ sở hạ tầng. Việc phát triển các mảng kinh doanh phù hợp với định hướng của Thủ tướng Narenda Modi giúp các công ty của Adani ăn nên làm ra.
Ngoài kinh doanh, Adani tham gia vào nhiều sáng kiến môi trường, giáo dục, phát triển bền vững, năng lượng sạch, bảo tồn động vật hoang dã và phòng chống Covid-19. (Ảnh: Reuters)
5. Li Ka-shing – 38 tỷ USD
Tỷ phú Li Ka-shing được gọi là “siêu nhân” tại Hong Kong, nổi tiếng với các khoản đầu tư chiến lược và sự nhạy bén trong kinh doanh. Ông gây dựng đế chế kinh doanh thông qua công ty đa ngành CK Hutchison Holdings – hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ cảng biển, bán lẻ, viễn thông đến năng lượng.
Li được coi là người đã thay đổi vận mệnh cho Hong Kong. Ông cũng quyên góp lượng lớn tài sản cho giáo dục, y tế và xã hội. Tỷ phú nghỉ hưu năm 2018 ở tuổi 90. (Ảnh: Reuters)
6. Tadashi Yanai – 37 tỷ USD
Yanai là nhà sáng lập kiêm CEO Fast Retailing – công ty mẹ Uniqlo (Nhật Bản). Hãng thời trang này trụ vững trong đại dịch và ngày càng nổi tiếng nhờ các sản phẩm tiện lợi, mặc được lâu, trong nhiều hoàn cảnh và giá cả phải chăng.
Ngoài kinh doanh, Yanai tích cực tham gia vào nhiều sáng kiến từ thiện, như giảm thiệt hại từ thảm họa tự nhiên, hỗ trợ an sinh xã hội, giáo dục, phát triển bền vững cả ở Nhật Bản và trên thế giới. (Ảnh: Bloomberg)
7. Pony Ma – 35 tỷ USD
Ông là nhà sáng lập kiêm CEO Tencent – công ty đa ngành tại Thâm Quyến (Trung Quốc) nổi tiếng trong lĩnh vực truyền thông xã hội và game. Năm 2021, tờ Shanghai Securities News từng đánh giá Pony Ma là người “viết lại kỷ nguyên di động” tại nước này.
Pony Ma cũng tham gia vào nhiều sáng kiến từ thiện và môi trường. Ông thành lập quỹ Tencent Foundation năm 2007. Quỹ này tập trung vào phát triển giáo dục và hỗ trợ nhóm yếu thế tại Trung Quốc. Tencent Foundation đã chi hàng trăm triệu USD cho việc xây trường học, cấp học bổng và hỗ trợ các chương trình chăm sóc y tế. (Ảnh: Reuters)
8. Robin Zeng – 34 tỷ USD
Robin Zeng là nhà sáng lập CATL – một trong những hãng sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới. Với khối tài sản lớn, Zeng có điều kiện thúc đẩy sự phát triển của năng lượng sạch trên toàn cầu.
Các nỗ lực từ thiện của ông tập trung vào phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Công nghệ pin của CATL được đánh giá gián tiếp đóng góp cho mục tiêu tăng phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch và giảm phát thải khí CO2. (Ảnh: CATL)
9. William Ding – 28 tỷ USD
Ding là CEO kiêm nhà sáng lập NetEase – hãng công nghệ Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, game và dịch vụ Internet. Ông thành lập Ding Foundation – hỗ trợ các chương trình giáo dục và giúp đỡ người yếu thế. Hoạt động của quỹ này tập trung vào giáo dục khoa học – công nghệ. (Ảnh: Reuters)
10. Jack Ma – 24 tỷ USD
Jack Ma đồng sáng lập Alibaba – một trong những hãng thương mại điện tử lớn nhất thế giới. Ông trước nay vẫn được coi là biểu tượng thành công của Trung Quốc, khi từ một giáo viên tiếng Anh thành doanh nhân khởi nghiệp lọt top giàu nhất thế giới. Khi còn điều hành Alibaba, ông thường xuyên phát biểu trước công chúng và là diễn giả cấp cao tại nhiều sự kiện quốc tế lớn, như Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
Sau khi rời chức Chủ tịch Alibaba năm 2019, Jack Ma tập trung vào các dự án từ thiện thuộc nhiều lĩnh vực. Gần đây, ông thường xuyên ra nước ngoài để nghiên cứu vấn đề lương thực toàn cầu. Tỷ phú từng thăm một phòng thí nghiệm nuôi cá ngừ tại Nhật Bản và tới một trường Đại học ở Hà Lan để học về sản xuất lương thực bền vững. (Ảnh: Reuters)
Hà Thu (theo SCMP)