Trong buổi tọa đàm về tín chỉ carbon và đào tạo nguồn nhân lực sáng 16/8 ở TP HCM, ông Đặng Thanh Long, Trưởng phòng Đào tạo và Phát triển bền vững tại Intertek Việt Nam, nhấn mạnh tiềm năng của thị trường tín chỉ carbon.
Tín chỉ carbon (carbon credit) là chứng nhận phát thải khí carbon dioxide (CO2) hoặc khí nhà kính khác được quy đổi tương đương sang CO2 (CO2tđ). Một tấn CO2tđ được xem là 1 tín chỉ carbon. CO2tđ là đơn vị mua bán trên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon.
Còn tín chỉ carbon lúa là loại thu được từ canh tác lúa chất lượng cao kết hợp giảm phát thải. Để bán được tín chỉ carbon lúa, người trồng không đốt rơm, tăng lượng phân bón sinh học, mục tiêu giảm lượng phát thải khí metan và tạo ra carbon thấp từ trồng lúa. Đặc biệt, nông dân phải thực hiện đúng quy trình về báo cáo đánh giá tín chỉ carbon.
Hiện có khoảng 36 quốc gia tham gia vào thị trường tín chỉ carbon, mang lại lợi ích về mặt tài chính, giúp giảm chi phí sản xuất nhờ các quy trình bền vững. Năm qua, Việt Nam đã bán 10,3 triệu tấn CO2 cho World Bank giá 5 USD mỗi tấn, thu về gần 1.250 tỷ đồng. Với dự án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giá trị tín chỉ carbon có thể đạt tới 100 triệu USD mỗi năm nếu được bán với giá 10 USD mỗi tín chỉ.
TS Trần Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn, cũng đồng tình rằng việc tham gia thị trường carbon sẽ mang lại lợi ích kép nếu Việt Nam đi đúng hướng. Hiện Việt Nam là quốc gia đầu tiên triển khai tín chỉ carbon cho lúa. Nếu tín chỉ carbon được mua với giá cao đồng nghĩa việc nông dân có thêm thu nhập khi họ tuân thủ quy trình giảm phát thải.
Theo Ecosystem Marketplace – một tổ chức phi lợi nhuận chuyên cung cấp thông tin về thị trường, giá carbon năm 2022 trên thị trường thế giới dao động 5,94-11,58 USD một tấn. Dẫu vậy, các chuyên gia dự đoán giá sẽ còn đi lên nhờ sự tham gia của nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, ông Hải cảnh báo rằng nhiều doanh nghiệp và nông dân chưa hiểu đúng về quy trình trồng lúa giảm phát thải, dẫn đến rủi ro trong việc thực hiện. Thậm chí, họ có thể thua lỗ vì chất lượng sản phẩm giảm sút, việc giảm phát thải không được công nhận. Hiện tại, một số doanh nghiệp tham gia nhưng chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu kỹ thuật hoặc thổi phồng khả năng của các sản phẩm phân hữu cơ, vi sinh.
Để tín chỉ carbon được xác nhận, cần có quy trình nghiêm ngặt và xây dựng đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp, có kỹ năng trong các lĩnh vực liên quan như theo dõi dấu chân carbon, quản lý rác thải và giám sát sản xuất.
Ông Đặng Thanh Long cũng nhấn mạnh, Việt Nam cần xây dựng lực lượng lao động có trình độ cao để phát triển thị trường tín chỉ carbon. Nếu không làm đúng và nhanh chóng, Việt Nam có thể mất nguồn thu lớn từ thị trường này.
Khi Việt Nam chưa có thị trường giao dịch tín chỉ carbon, hàng hóa xuất khẩu vào EU sẽ phải chịu 100% phí carbon cho lượng phát thải vượt hạn ngạch. Nhưng khi thị trường này đã được hình thành, các doanh nghiệp sẽ được khấu trừ phí này, đặc biệt với các mặt hàng thuộc nhóm CBAM khi xuất khẩu sang châu Âu.
CBAM là cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU áp dụng cho 6 ngành gồm sắt thép, xi măng, nhôm, điện và phân bón. Từ năm 2026, các doanh nghiệp nhập khẩu vào EU sẽ phải mua chứng chỉ carbon tương ứng với lượng phát thải, đẩy giá trị tín chỉ carbon lên cao và tiếp tục tăng trong tương lai.
Thi Hà