Chiều 11/11, sau khi Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời, làm rõ hơn việc quản lý thị trường vàng, cơ cấu các tổ chức tín dụng.
Ông Phớc đánh giá chính sách tiền tệ, tài khóa vừa qua đã được điều hành hiệu quả, hợp lý. Nhờ đó, tỷ giá ngoại hối duy trì ổn định, hai ngân hàng 0 đồng được xử lý. “Chúng ta chuẩn bị xử lý tiếp ngân hàng 0 đồng nữa, ổn định hệ thống”, ông Phớc thông tin.
Thời gian qua, hệ thống ngân hàng có 3 nhà băng được đưa vào diện bắt buộc mua lại 0 đồng, gồm Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank). Một ngân hàng kiểm soát đặc biệt là Ngân hàng Đông Á (DongABank). Giữa tháng 10, CBBank và OceanBank được chuyển giao bắt buộc về Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Quân Đội (MB).
Còn hai ngân hàng khác là GPBank và DongA Bank dự kiến sẽ tiếp tục hoàn thiện phương án và chuyển giao trong tương lai.
Ngoài 4 nhà băng trên, cuối tháng 10/2022, Ngân hàng Sài Gòn – SCB cũng bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
Cũng theo Phó thủ tướng, chính sách tài khóa và tiền tệ được điều hành linh hoạt. Năm nay GDP ước đạt gần 7%, CPI khoảng 3,88%, nợ công 37% GDP. Thu ngân sách tới thời điểm hiện tại đạt 99,4% so với dự toán Quốc hội giao và tăng 17,78% so với cùng kỳ năm trước. Xét về giá trị tuyệt đối, ngân sách tăng thu khoảng 255.216 tỷ đồng so với năm trước. Tính chung cả năm, ngân sách có thể vượt 300.000 tỷ đồng năm 2023. Ông Phớc cho hay số này sẽ được dùng đầu tư hạ tầng cơ sở như đường cao tốc và các công trình khác.
Về quản lý hóa đơn vàng, theo Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế phát hành 5 văn bản hướng dẫn kê khai, nộp thuế, theo Nghị định 123/2020 và Thông tư 78/2023. “Việc quản lý hóa đơn của doanh nghiệp, cửa hàng vàng không có khó khăn, vướng mắc”, ông nói.
Song thực tế, lực lượng quản lý thị trường phát hiện một số cửa hàng vàng không chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu. Phó thủ tướng khẳng định “chỉ xử lý khi phát hiện vàng này là vàng lậu. Nếu không chứng minh được thì không được xử lý”.
Ông nhìn nhận quản lý thị trường vàng đang có sự thay đổi, nên hiện Ngân hàng Nhà nước triển khai sửa Nghị định 24. Trong đó, nhà chức trách sẽ nghiên cứu chính sách để tạo điều kiện nhập khẩu nguyên liệu vàng sản xuất; ưu đãi thuế trong nước để tạo điều kiện hàng trang sức sản xuất trong nước có thể xuất khẩu.
Trước đó, ông Trịnh Xuân An, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh cho rằng việc cấm nhập khẩu nguyên liệu sản xuất vàng, nhất là trang sức mỹ nghệ gây ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân, doanh nghiệp kinh doanh khó khăn. Ông đề nghị xem xét lại chính sách này khi sửa Nghị định 24 quản lý kinh doanh vàng.
Về giải pháp dài hạn cho thị trường vàng, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết nhà chức trách sẽ đẩy mạnh mua bán minh bạch, áp dụng công nghệ quản lý các công ty, cửa hàng vàng và chống buôn lậu vàng và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thị trường vốn phát triển. “Vàng không còn là thước đo tiền tệ, nhưng vẫn là nơi trú ẩn của đồng tiền nhàn rỗi, nên sẽ quản lý chặt chẽ”, Phó thủ tướng nói.
Chốt lại phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Chính phủ năm 2025 tổng kết thực hiện Nghị định 24 quản lý thị trường vàng và đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp thực tế.
“Không để biến động giá vàng ảnh hưởng tới tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nêu, đồng thời đề nghị cơ quan quản lý cần nghiên cứu biện pháp khuyến khích người dân bán vàng để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Điều hành chính sách tiền tệ ‘có thời điểm rất căn cơ’
Phó trưởng ban công tác đại biểu Tạ Thị Yên đề cập trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn thì “cách nào để điều hành chính sách tiền tệ đáp ứng ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng”. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đánh giá tình hình quốc tế và trong nước, yếu tố nào tác động lớn hơn tới kinh tế trong nước.
Trả lời, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết để đánh giá tác động quốc tế trong nước cái nào lớn hơn là rất khó, bởi các yếu tố nước ngoài và trong nước đều tác động, đặt ra thách thức lớn với chính sách tiền tệ.
Bà Hồng thông tin Covid-19 khiến nhiều ngân hàng trung ương các nước thắt chặt tiền tệ, lạm phát tăng cao, giá vọt đạt kỷ lục lịch sử… Ở trong nước, thị trường trái phiếu, bất động sản, sự cố rút tiền hàng loạt của Ngân hàng SCB vào tháng 10/2022. “Có những thời điểm tác động cùng lúc với hoạt động ngân hàng, rất khó khăn. Nhưng Ngân hàng Nhà nước chủ động ứng phó để ổn định tình hình”, bà nói.
Trong điều hành tiền tệ ba chỉ số quan trọng nhất là lãi suất, tỷ giá và tín dụng, theo Thống đốc. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành các chỉ số này rất căn cơ. “Chúng tôi đặt an toàn hệ thống lên hàng đầu để xử lý và ổn định ngoại hối, lãi suất”, bà nói thêm.
Lần thứ 2 trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã “nắm chắc vấn đề và trả lời thẳng vấn đề”. Kết thúc phiên chất vấn lĩnh vực ngân hàng, có 43 đại biểu chất vấn, 1 tranh luận và còn 11 đại biểu chưa được hỏi. Ông đề nghị các đại biểu chưa hỏi, gửi câu hỏi để Ngân hàng Nhà nước trả lời bằng văn bản.
Hoài Thu – Viết Tuân – Sơn Hà