Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) báo đạt doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt 2,263 tỷ đồng, 111 tỷ.
“Lũy kế bốn tháng đầu năm đạt 12,059 tỷ đồng (giảm nhẹ 6,6%), duy trì mức lợi nhuận sau thuế 859 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2022”, lãnh đạo doanh nghiệp cho hay.
Theo đại diện PNJ, trong bối cảnh sức mua chung các mặt hàng xa xỉ suy giảm mạnh, PNJ liên tục lập sáng kiến kinh doanh, chiến lược tiếp cận thị trường hiệu quả, mở rộng thị phần nên doanh thu trang sức bán lẻ trong bốn tháng đầu năm giảm 5,7% so với cùng kỳ.
Trước sự suy giảm của thị trường trang sức và hàng xa xỉ nói chung, doanh thu bán sỉ của PNJ giảm 23,3% so với 2022, đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng khách hàng ở kênh này. Riêng lũy kế doanh thu vàng 24K giảm nhẹ 2,4%.
Ngoài ra, do thay đổi cơ cấu hàng bán nên biên lợi nhuận gộp trung bình bốn tháng đạt 19,1% so với 17,8% cùng kỳ. Tổng chi phí hoạt động tăng 6,1% so với 2022.
“Tỷ lệ chi phí hoạt động, lợi nhuận gộp tăng từ 49,3% (2022) lên 52% do nền giá cao hơn bởi ảnh hưởng của yếu tố lạm phát”, đại diện thương hiệu lý giải.
Tính đến cuối tháng 4, hệ thống PNJ có 376 cửa hàng độc lập gồm: 355 PNJ Gold, 7 PNJ Silver, 3 CAO Fine Jewellery, 5 chi nhánh Style by PNJ, 3 PNJ Watch và 3 PNJ Art.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn đẩy mạnh hoạt động cộng đồng. Chuỗi dự án “Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam” do PNJ và Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam đồng khởi xướng tiếp tục được triển khai, hỗ trợ 10.000 phụ huynh; 4.000 trẻ tại 82 trung tâm đặc biệt suốt 5 năm qua. Hoạt động này gắn liền với tuyên bố ESG của doanh nghiệp: “Hành động có trách nhiệm để tôn vinh vẻ đẹp con người, cuộc sống một cách bền vững”.
Tháng 4 cũng đánh dấu 35 năm PNJ kiến tạo hành trình “Giữ trọn niềm tin – Tôn vinh vẻ đẹp”, mang đến giá trị tốt đẹp cho cộng đồng, xã hội và đóng góp vào sự phát triển của ngành kim hoàn, bán lẻ Việt Nam.
Vạn Phát