Em sinh năm 2002, hiện là sinh viên năm thứ ba. Gia đình có mức sống cơ bản, không dư dả. Kể từ năm 2021, em tích lũy được 50 triệu đồng từ tiền mà bố mẹ cùng họ hàng gửi cho ăn học. Trong khi tỷ giá đồng euro xuống thấp, em đã mua vào lượng lớn và khi tỷ giá phục hồi, em bán ra và có lãi.
Em hiện làm công tác tình nguyện trong trường và nhận được thù lao mỗi tháng. Em không có nhu cầu sử dụng số tiền trên vì không muốn chi tiêu hoang phí và muốn tích lũy cho tương lai, phấn đấu để có một cuộc sống tốt hơn và có thể làm những gì mình thích, hoàn thành các mục tiêu của mình mà không phải đắn đo về tài chính.
Em bắt đầu đọc báo và xem tin tức mỗi ngày từ năm 13 tuổi. Qua các phương tiện truyền thông, em được biết hiện nay có rất nhiều hình thức đầu tư sinh lời như cổ phiếu, vàng, ngoại tệ, tiết kiệm, bất động sản… Sau khi ngồi phân tích, em nhận thấy hiện tại, nếu cứ giữ tiền ở yên trong tài khoản sẽ bị mất giá trong thời buổi lạm phát. Nhưng em ý thức số tiền 50 triệu đồng chẳng thấm vào đâu so với mức vốn của nhiều nhà đầu tư khác.
Em hy vọng chuyên gia tư vấn giúp, ngoài kênh ngoại tệ, còn có thể đầu tư thêm lĩnh vực gì để sinh lời trong thời điểm biến động này ạ?
Huy Cường
Chuyên gia tư vấn:
Trước hết, tôi rất vui khi có dịp chia sẻ kinh nghiệm với một người rất trẻ như bạn. Sự ham học hỏi là một yếu tố quyết định rất lớn để trở thành một nhà đầu tư thành công. Bây giờ, tôi sẽ trả lời cụ thể câu hỏi về đầu tư.
Trong điều kiện khá khiêm tốn mà bạn đã tích lũy được một số tiền 50 triệu đồng, là một thành quả rất đáng khích lệ. Bạn đã mua euro một lượng lớn trong số tiền này, rất may đã có lãi. Trước hết tôi muốn bạn hiểu đúng hơn về việc đầu tư euro là gì. Bản chất đây không phải là đầu tư, mà có tính chất đầu cơ nhiều hơn. Tại sao tôi nói vậy? Dù có nghiên cứu trước khi mua euro, cơ sở để “đoán” được tỷ giá của một đồng ngoại tệ sẽ đi lên hay xuống tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố như vĩ mô, cán cân thương mại, chính sách lãi suất, cung cầu… Trong hơn 30 năm kinh nghiệm quản lý tài sản quốc tế, thú thật quản lý tỷ giá khó hơn quản lý cổ phiếu và trái phiếu một bậc.
Vì thế, tôi rất mong bạn và những người trẻ khác hiểu đúng hơn về đầu tư. Tạm chia ra làm hai cách. Cách đầu tư thứ nhất, hiểu đơn giản là làm thế nào để khoản tiền nhàn rỗi tăng nhanh và nhiều nhất có thể. Khi hiểu như vậy, bạn sẽ tìm bất kỳ cơ hội nào có thể mang về mức lợi nhuận mình mong muốn. Các kênh đầu tư thông thường sẽ là cổ phiếu, vàng, ngoại tệ, tiền số.
Cách đầu tư này không sai. Tuy nhiên, có một vấn đề cần lưu ý là những kênh đầu tư này không phải lúc nào cũng tăng nhanh và tăng nhiều như mong đợi. Như vậy tính chất của cách đầu tư này là rủi ro cao, có tính “hên xui” trong ngắn hạn. Nếu bạn có khoản tiền nhàn rỗi và đầu tư theo cách này sẽ “ăn” nhiều và cũng có thể “thua” nhiều. Điều này sẽ không thành vấn đề nếu bạn có khả năng chấp nhận được rủi ro kể trên.
Nhưng nếu tự đánh giá mình không chấp nhận được rủi ro cao, hãy nên cân nhắc cách đầu tư thứ hai – đầu tư có mục tiêu tài chính. Ví dụ, bạn có kế hoạch đi du học ở nước ngoài trong 5 năm tới và cần một tỷ đồng để thực hiện. Khi có mục tiêu rõ ràng, kết quả đầu tư không nên “hên xui” như cách đầu tư thứ nhất. Từ đó, bạn sẽ chủ động tìm kiếm những kênh và phương thức đầu tư có tính đảm bảo nhiều hơn.
Bạn có thể cần một bên tư vấn có uy tín và chuyên môn nhằm giúp lên kế hoạch đầu tư và thực hiện. Trong phạm vi của bài chia sẻ này, tôi chỉ muốn lưu ý một vài nguyên tắc để đầu tư có hiệu quả. Thứ nhất, bạn nên hiểu nhu cầu đầu tư của chính mình. Tiếp theo, cần hiểu rõ những kênh đầu tư đã chọn (lợi suất, rủi ro, thanh khoản, vốn…) và kỳ vọng lợi nhuận hợp lý. Bạn cần có kế hoạch đầu tư và kiên trì thực hiện, có thể điều chỉnh kế hoạch nếu cần, nhưng không bỏ kế hoạch nếu không có lý do chính đáng. Ngoài ra, bạn có thể cùng lúc đầu tư cả hai cách kể trên, quan trọng là phải biết bản thân đang làm gì.
Bạn còn trẻ và muốn đầu tư với số tiền 50 triệu đồng, nên tôi có thể đưa ra mô hình cụ thể như sau. Trước hết, 10 triệu đồng dùng mua cổ phiếu. Việc đầu tư này có phần giúp bạn học hỏi và lấy kinh nghiệm trong đầu tư chứng khoán. Với một người 21 tuổi, đầu tư dài hạn ở kênh này vẫn rất tiềm năng. 40 triệu đồng còn lại có thể mua chứng chỉ quỹ hỗn hợp, cổ phiếu và trái phiếu. Thời gian đầu tư của bạn còn dài, nên có thể cân nhắc đầu tư tối thiểu 50% số tiền này vào chứng chỉ quỹ cổ phiếu.
Hans Nguyễn
Quản lý cao cấp đào tạo kênh phân phối Dragon Capital Việt Nam