Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

The Coffee House dừng kinh doanh tại Đà Nẵng và Cần Thơ

Cuối tháng 7, các cửa hàng The Coffee House tại Cần Thơ thông báo đóng cửa, dỡ bảng hiệu. Trong tháng 8, ba chi nhánh còn lại tại Đà Nẵng cũng đang trong kế hoạch dừng hoạt động toàn bộ. Như vậy, The Coffee House sẽ rút khỏi hai thành phố trên sau nhiều năm mở rộng thị trường.

Tình trạng đóng cửa hàng của The Coffee House cũng diễn ra trước đó tại một số chi nhánh từng rất hút khách như Kim Mã, Nguyễn Tuân, Bùi Thị Xuân, Văn Quán (Hà Nội), Phạm Văn Chiêu (TP HCM), Lạch Tray (Hải Phòng)…

Hiện tại, chuỗi cà phê này vận hành 117 cửa hàng trên toàn quốc, giảm khoảng 30 điểm bán so với cuối năm trước. Ngoài các thành phố lớn, họ còn giảm 1-2 chi nhánh tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang, Nghệ An và Bắc Ninh.

Nói với VnExpress, CEO Ngô Nguyên Kha xác nhận The Coffee House đã đóng cửa các điểm bán trong thời gian qua theo định hướng kinh doanh. Ông giải thích, trong bối cảnh hiện tại, tối ưu chi phí để cải thiện hiệu quả hoạt động trở thành công việc ưu tiên và thường xuyên.

“Quyết định này nhằm thích ứng với điều kiện thay đổi, giúp đảm bảo kinh doanh toàn hệ thống”, lãnh đạo này cho biết.

Các khách hàng ở khu vực có chi nhánh đóng cửa đã được thông báo sớm. The Coffee House cho biết sẽ triển khai ưu đãi tri ân và hướng dẫn đổi điểm tích lũy khách hàng để đảm bảo quyền lợi trước khi họ rời đi.

Đây không phải là lần đầu The Coffee House cắt giảm số lượng cửa hàng. Trong giai đoạn dịch bệnh, doanh nghiệp này từng tinh gọn quy mô, trong đó đóng cửa hàng cao cấp Signature, vốn nổi tiếng với người sành cà phê TP HCM. Họ chỉ khai trương 12 cửa hàng tính từ tháng 10/2021 đến hết năm 2022. Từng tuyên bố nhân rộng mô hình ki-ốt với số lượng lớn, The Coffee House cũng chỉ dừng lại ở mức thử nghiệm rồi dừng hẳn dự án.

Chia sẻ với VnExpress vào thời điểm đó, CEO Ngô Nguyên Kha nhìn nhận lý do họ đi chậm lại do khách hàng đã thay đổi. Vì thế, những gì chuỗi cà phê này từng làm và thành công có thể không phù hợp với khách hàng hiện tại. Ở giai đoạn đầu ra mắt thị trường, họ từng là một trong ít chuỗi cà phê đi đầu về việc tạo ra không gian quán đẹp, wifi mạnh, thức uống hợp khẩu vị người dùng, thường được xem là địa điểm làm việc và học tập ưa thích của những người làm việc tự do (freelancer) và học sinh, sinh viên.

Với lần thứ hai tinh gọn hệ thống này, The Coffee House là chuỗi cà phê duy nhất đang đi ngược lại xu hướng nhân rộng mạng lưới sau dịch. Báo cáo thị trường năm 2023 của iPOS – nền tảng cung cấp giải pháp bán hàng, vận hành, nhân sự cho hơn 100.000 thương hiệu nhà hàng và quán cà phê – cho thấy số lượng quán cà phê, trà tại Việt Nam đạt 317.299 cửa hàng vào cuối năm trước, tăng gần 3.950 điểm bán so với năm 2022.

Hàng loạt thương hiệu lớn trong ngành bán lẻ đồ uống đã mở thêm hàng chục đến hơn trăm cửa hàng. Dẫn đầu là Highlands Coffee khi tăng gần 200 điểm bán so với cuối năm 2022. Các chuỗi Phúc Long, Trung Nguyên Legend hay “tân binh” Katinat cũng tích lũy thêm hàng chục cửa hàng.

Khách đang dùng nước tại một cửa hàng The Coffee House, tháng 3/2024. Ảnh: The Coffee House

Khách đang dùng nước tại một cửa hàng The Coffee House, tháng 3/2024. Ảnh: The Coffee House

Thay vì dồn nguồn lực cho cửa hàng vật lý, The Coffee House đang tập trung vào chiến lược phát triển ứng dụng đặt hàng riêng. Đến nay, giao dịch qua ứng dụng của họ chiếm một nửa tổng giao dịch mỗi ngày của toàn hệ thống với 1,8 triệu lượt tải về.

Phát triển ứng dụng riêng vốn là chiến lược được định ra từ lúc sơ khai của The Coffee House. Ban lãnh đạo chuỗi cho rằng việc này giúp tránh mức phí cao 20-25% từ các nền tảng trung gian và giữ quyền kiểm soát dữ liệu khách hàng. Nhờ nằm trong hệ sinh thái Seedcom của ông Đinh Anh Huân (Chủ tịch Seedcom), chuỗi cà phê này tận dụng được nền tảng giao vận Ahamove để đẩy mạnh bán hàng qua ứng dụng riêng.

Tất Đạt



Leave a Comment

0.0/5