Trong đó, 47 địa phương thu ngân sách thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, các khoản thu trọng yếu như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân… đều giảm.
Thông tin trên được trích từ số liệu của Bộ Tài chính. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm thu ngân sách chững lại so với cùng kỳ.
Bộ Tài chính cũng cho biết số thu hàng tháng có xu hướng giảm. Nếu không kể thuế thu nhập doanh nghiệp, thu cổ tức, lợi nhuận còn lại, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước, số thu nội địa bốn tháng chỉ bằng khoảng 89% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều khoản thu trọng yếu đều thấp hơn cùng kỳ 2022 như thuế giá trị gia tăng (giảm gần 5%), thuế tiêu thụ đặc biệt (giảm 7%), thuế thu nhập cá nhân (giảm gần 3%). Mức giảm thu cũng diễn ra ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực tại nhiều địa phương như bất động sản, ôtô, chứng khoán, dầu khí.
Bên cạnh đó, một số khoản thu vừa không đạt tiến độ so với dự toán, vừa giảm so với cùng kỳ năm trước như thuế bảo vệ môi trường (ước đạt 17% dự toán, bằng chưa đến một nửa so cùng kỳ) chủ yếu do thực hiện chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu. Các loại phí, lệ phí ước đạt 32% dự toán, giảm 8% so cùng kỳ. Các khoản thu về nhà, đất ước đạt 21% dự toán, giảm 54% so cùng kỳ.
Đối với số thu trên địa bàn, chỉ có 16 địa phương tăng trưởng thu so với cùng kỳ trong khi có tới 47 địa phương thu thấp hơn.
Thu ngân sách giảm nhưng chi cân đối ngân sách luỹ kế bốn tháng tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, bằng 24% dự toán, đạt 500.300 tỷ đồng.
Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt khoảng 110.600 tỷ đồng, tăng hơn 15% so cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, chi trả nợ lãi ước đạt gần 34.000 tỷ đồng, bằng 33% dự toán, giảm 3%. Chi thường xuyên ước đạt 355.400 tỷ đồng, bằng 30% dự toán, tăng gần 5% so cùng kỳ năm trước.
Quỳnh Trang