Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

UOB: Việt Nam là điểm sáng kinh doanh của ASEAN

Thông tin được công bố trong Nghiên cứu triển vọng Doanh nghiệp năm 2024 của UOB. Dữ liệu dựa trên khảo sát hơn 4.000 doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ (SME) tại 7 thị trường trọng điểm trên khắp ASEAN và Trung Quốc, trong đó có 525 đơn vị tại Việt Nam.

Kết quả cho thấy, trong khu vực ASEAN, Việt Nam là một điểm sáng với triển vọng tích cực. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn thận trọng khi xây dựng kế hoạch cho tương lai, cân nhắc đến các yếu tố vĩ mô đã tác động lớn đến doanh nghiệp trong năm 2023 như lạm phát cao hay bất ổn địa chính trị làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng chiến lược kết hợp giữa các biện pháp ứng phó ngắn hạn như cắt giảm chi phí và các biện pháp dài hơi hơn tập trung vào ba trọng điểm dưới đây.

Mở rộng thị trường nước ngoài

Gần 90% doanh nghiệp tham gia khảo sát quan tâm đến việc mở rộng kinh doanh ra nước ngoài, nhất là thị trường ASEAN. Thái Lan là quốc gia thu hút nhiều sự quan tâm nhất của các doanh nghiệp Việt khi cân nhắc mở rộng ra nước ngoài, tiếp theo có Singapore, Malaysia và Indonesia. Khoảng 60% đơn vị cho biết động lực hàng đầu cho việc mở rộng ra nước ngoài là để tăng doanh thu. Trong đó, sử dụng các nền tảng thương mại kỹ thuật số xuyên biên giới là một phương tiện phổ biến.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cho biết việc mở rộng ra nước ngoài có nhiều rào cản, gồm: thiếu khách hàng tại thị trường mới (41%); thiếu hỗ trợ về pháp lý, quy định, tuân thủ và thuế (39%); khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác phù hợp để hợp tác (38%).

Gần 9 trên 10 doanh nghiệp tại Việt Nam quan tâm đến mở rộng ra nước ngoài. Ảnh minh họa: UOB

Gần 9 trên 10 doanh nghiệp tại Việt Nam quan tâm đến mở rộng ra nước ngoài. Ảnh minh họa: UOB

Để thành công trong việc mở rộng ra thị trường nước ngoài, 42% doanh nghiệp Việt mong đợi hỗ trợ tài chính như ưu đãi thuế hoặc hoàn thuế, 40% muốn có nguồn tài trợ hoặc trợ cấp dành cho các thị trường mới.

Các hỗ trợ phi tài chính cũng là mối quan tâm của hơn 40% doanh nghiệp Việt. Họ tìm kiếm cơ hội kết nối với các tổ chức lớn là khách hàng tiềm năng mà họ có thể cung cấp ở thị trường nước ngoài.

Một trong những kênh kết nối này là thông qua các đơn vị tài chính quốc tế. Ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Khối Ngân hàng doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam, cho biết là Ngân hàng hàng đầu tại khu vực ASEAN với hơn 30 năm hoạt động tại Việt Nam, đơn vị có lợi thế trong việc kết nối các công ty địa phương với cơ hội trong khu vực và ngược lại.

“Chúng tôi có khả năng giúp các doanh nghiệp định hướng trong bối cảnh phức tạp của thị trường, nắm bắt cơ hội tăng trưởng ở khu vực ASEAN và hơn thế nữa”, ông nói thêm.

Ông Lim Dyi Chang, Giám đốc khối Ngân hàng doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam. Ảnh: UOB

Ông Lim Dyi Chang, Giám đốc khối Ngân hàng doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam. Ảnh: UOB

Tăng ngân sách số hóa

Theo Nghiên cứu triển vọng Doanh nghiệp năm 2024 của UOB, cứ 10 doanh nghiệp Việt thì có 9 đơn vị áp dụng số hóa ở ít nhất một bộ phận. Trong đó, khoảng 41% công ty số hóa trên toàn bộ hoạt động kinh doanh – tỷ lệ cao nhất khu vực.

Hơn 80% doanh nghiệp trong nước có kế hoạch chi nhiều hơn cho hoạt động số hóa vào năm nay, với hầu hết ngân sách tăng 10-25%.

Tuy nhiên, các công ty này cũng dự đoán phải đối mặt với một số thách thức, bao gồm những lo ngại về vấn đề an ninh mạng, nhân sự thiếu hụt kỹ năng kỹ thuật số của đội ngũ nhân sự và rủi ro gia tăng về xâm phạm dữ liệu. Do đó, họ muốn có thêm hỗ trợ về thuế, kết nối với các nhà cung cấp giải pháp và công nghệ, các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng cho nhân viên.

Thúc đẩy phát triển bền vững

94% doanh nghiệp được khảo sát đánh giá cao tầm quan trọng của phát triển bền vững. Việc áp dụng tính bền vững có thể giúp các công ty này nâng cao danh tiếng, xây dựng thương hiệu tốt hơn và thu hút các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, trong năm 2023, chỉ 45% đơn vị triển khai các hoạt động bền vững. Rào cản lớn nhất của họ là: thiếu cơ sở hạ tầng phù hợp cho năng lượng tái tạo (38%), thiếu lựa chọn tốt về tài chính bền vững (34%) và lo ngại về tác động tiêu cực đến lợi nhuận (34%).

Ông Lim Dyi Chang chia sẻ, những thông tin từ nghiên cứu này giúp UOB hiểu về những mảnh ghép còn thiếu. Từ đó, đơn vị hỗ trợ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi bền vững bằng cách cung cấp giải pháp tài chính xanh, kết nối với đối tác trong hệ sinh thái khu vực của ngân hàng và tạo điều kiện tiếp cận, học hỏi từ bài học thành công.

“UOB đang giúp doanh nghiệp Việt áp dụng các giải pháp bền vững nhanh và rộng rãi hơn. Nỗ lực của chúng tôi phù hợp và song song với các chương trình bền vững của Việt Nam nhằm đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050”, ông nhấn mạnh.

Nhật Lệ



Leave a Comment

0.0/5