Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Vốn đăng ký mở mới doanh nghiệp thấp hơn giai đoạn dịch

Số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố cho biết, trong 5 tháng đầu năm, cả nước có hơn 61.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn là 568.700 tỷ đồng – giảm 1,6% về số doanh nghiệp và giảm 25,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Tổng số vốn đăng ký trong 5 tháng qua chỉ nhỉnh hơn cùng kỳ 2020 – thời kỳ Covid-19 mới xuất hiện ở Việt Nam, còn lại giảm mạnh so trong giai đoạn 2019-2023.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp chỉ đạt 9,2 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 5 tháng đầu năm kể từ năm 2017.

Nếu tính cả 824.900 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 21.100 doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm là hơn 1,39 triệu tỷ đồng, giảm 43%.

Bên cạnh đó, số liệu cho thấy, có gần 33.000 doanh nghiệp quay lại hoạt động cũng giảm 7,4% so với cùng kỳ; 55.200 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn, tăng 20,3%; 25.500 doanh nghiệp chờ giải thể, tăng 34,1%; 7.300 doanh nghiệp hoàn tất giải thể.

Bình quân một tháng có 17.600 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Các doanh nghiệp này chủ yếu thuộc nhóm kinh doanh bất động sản, vận tải kho bãi, công nghiệp chế biến chế tạo.

Thiếu vốn, dòng tiền mới là vấn đề chung của hầu hết doanh nghiệp hiện nay. Dòng vốn của nền kinh tế bắt đầu gặp vấn đề từ đầu năm ngoái khi tín dụng tăng vọt, nhưng các doanh nghiệp sản xuất vẫn khát vốn. Lý do là một phần tăng trưởng chảy vào nhóm bất động sản, dùng để cơ cấu lại các khoản vay trái phiếu còn doanh nghiệp sản xuất thì thiếu vốn.

Đến nửa cuối năm 2022, tình hình còn khó khăn hơn. Chứng khoán lao dốc khiến việc huy động vốn trở nên bất khả thi, thị trường trái phiếu khủng hoảng, dòng vốn ngân hàng cạn kiệt vì tăng trưởng quá nhanh trước đó, trong khi thị trường bất động sản đóng băng đã đẩy nhiều doanh nghiệp vào trạng thái “mất thanh khoản” dù tài sản ghi nhận không ít.

Ngoài ra, lạm phát tăng trên toàn cầu khiến các ngân hàng trung ương phải đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất. Việt Nam, với độ mở kinh tế lớn, không thể đứng ngoài. Mặt bằng lãi suất tăng nhanh từ giữa 2022, với lãi vay trung bình cho doanh nghiệp có lúc lên khoảng 12% một năm, thậm chí có nơi lên 14% một năm, khoản vay cho cá nhân có thời điểm lên hơn 16%.

Hiện lãi suất có phần hạ nhiệt hơn, nhưng nhìn chung mặt bằng lãi vay vẫn cao so với ngưỡng chịu đựng của doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Chính phủ, bình quân lãi suất cho vay mới là 9,3% nhưng số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, lãi suất cho vay bình quân tại 35 ngân hàng thương mại tới cuối tháng 3 khoảng 10,23%, cao hơn 0,56 điểm phần trăm so với cuối 2022.

Tăng trưởng tín dụng đến 24/4 chỉ đạt gần 2,7%, bằng 1/3 mức tăng cùng kỳ, cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế hạn chế. Việc này, theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), đã ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Đại diện một tập đoàn bất động sản lớn trên thị trường cho biết họ có nguyện vọng được tiếp vốn dù lãi vay tăng nhưng ngân hàng vẫn “lắc đầu”. Các điều kiện về hạn mức vay hay tài sản đảm bảo đều được doanh nghiệp này đáp ứng nhưng phía ngân hàng vẫn “chần chừ” do lo ngại rủi ro.

Khảo sát của Ban IV và VnExpress trên gần 10.000 doanh nghiệp cũng cho thấy một bức tranh kinh doanh tương tự với nhiều màu tối. Theo đó trên 82% doanh nghiệp cho biết dự kiến giảm quy mô, tạm dừng hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại năm nay. Các doanh nghiệp còn hoạt động hầu hết cho biết sẽ cắt giảm lao động, dự báo giảm doanh thu.

Hiện khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là thiếu đơn hàng, chi phí sản xuất cao, thủ tục hành chính phức tạp, trong khi đói vốn. Cụ thể, 79,1% doanh nghiệp đánh giá triển vọng tiếp cận vốn là tiêu cực hoặc rất tiêu cực trong năm nay. Trong đó, doanh nghiệp ngành xây dựng là bi quan nhất.

Đức Minh



Leave a Comment

0.0/5