Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Wood Mackenzie: Nhu cầu khí của Việt Nam tăng gần 3 lần vào 2035

Theo Wood Mackenzie – công ty nghiên cứu và tư vấn thị trường năng lượng có trụ sở tại Anh – kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng trung bình 4,7% trong 27 năm tới. Để đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định cho phát triển kinh tế, nhu cầu tiêu thụ khí đốt tự nhiên (khí nén và hóa lỏng LNG) của Việt Nam dự kiến tăng 12% mỗi năm, từ 8 triệu tấn dầu quy đổi (Mtoe) vào năm 2020 lên 20 Mtoe vào 2035. Con số này tăng lên 32 Mtoe vào 2050.

Ông Joshua Ngu, Phó chủ tịch khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Wood Mackenzie cho biết khí đốt sẽ là nguồn nhiên liệu quan trọng cho sản xuất điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Việc này càng cần thiết trong bối cảnh sản lượng điện than chững lại giai đoạn tới và năng lượng tái tạo tiếp tục đối mặt với thách thức như hiệu suất gián đoạn hay các hạn chế của lưới điện. Dự báo, điện khí sẽ đóng góp 14% tổng sản lượng điện vào 2030.

“Việc phát điện từ khí ngày càng cần thiết để hạn chế xảy ra tình trạng thiếu điện trong tương lai gần”, ông Joshua Ngu khuyến nghị.

Theo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam ưu tiên sử dụng tối đa khí trong nước cho phát điện. Đến 2030 nguồn nhiệt điện khí và LNG sẽ đạt hơn 37.000 MW, tương ứng gần 25% tổng công suất nguồn điện. Con số này tăng đáng kể so với 2023, thời điểm tỷ trọng loại năng lượng này chỉ chiếm 8,9% tổng công suất nguồn điện, tương đương gần 7.200 MW, theo EVN.

Cũng theo quy hoạch này, tới 2030 sẽ có 13 dự án điện khí LNG được phát triển, song nhiều khả năng khó đạt mục tiêu, một phần do chưa xác định được giá điện. Vào tháng 5, Bộ Công Thương duyệt khung giá phát điện nhà máy nhiệt điện LNG, cao nhất gần 2.600 đồng một kWh. Mức này cao hơn khoảng 30% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện tại (2.006,79 đồng một kWh), cũng như các nguồn năng lượng tái tạo khác.

Tuy nhiên, Việt Nam đang đối mặt với thách thức về nguồn cung khí đốt. Các mỏ khí hiện tại – chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ – đang bước vào giai đoạn cạn kiệt, dẫn đến nguồn cung nội địa giảm 25% trong 5 năm qua. Việt Nam cũng chưa có hợp đồng mua LNG dài hạn, làm tăng nguy cơ biến động giá loại nhiên liệu này trong nước, theo ông Raghav Mathur, chuyên gia nghiên cứu và phân tích thị trường khí đốt và LNG của Wood Mackenzie.

Kho cảng LNG Thị Vải. Ảnh: PVGas

Kho cảng LNG Thị Vải. Ảnh: PVGas

Ở khâu vận chuyển – phân phối, mạng lưới đường ống khí chính của Việt Nam hiện tập trung ở khu vực phía Nam và mới có hai kho cảng gồm LNG Thị Vải vận hành từ giữa năm ngoái và LNG Cái Mép dự kiến hoạt động tháng này. Bà Yulin Li, chuyên gia nghiên cứu thị trường khí đốt và LNG Đông Nam Á Wood Mackenzie chỉ ra rằng Việt Nam chưa có đường ống khí xương sống kết nối 3 miền, đưa khí sản xuất từ miền Trung đến hai đầu Nam, Bắc. “Còn nhiều nhiều dư địa để xây dựng hệ thống đường ống, kho cảng đấu nối và trạm tái hóa khí ở Việt Nam”, bà nói.

Vì thế, giai đoạn tới, chuyên gia từ Wood Mackenzie khuyến nghị Việt Nam phát triển, hợp tác với các nhà cung cấp giải pháp lớn để tăng đầu tư điện khí, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, Việt Nam cần phát triển cơ sở hạ tầng nhằm giảm bớt lo ngại về thiếu khí đốt trong tương lai. Những dự án như khí lô B, dự kiến đón dòng khí đầu tiên vào 2026 sau nhiều năm đình trệ, có thể cung ứng thêm 11,3 triệu m3 mỗi ngày vào 2030. Ngoài ra, việc xây dựng đường ống dẫn khí từ lô hợp đồng phân chia sản lượng dầu Tuna (Indonesia) ở Biển Natuna được kỳ vọng có thể vận chuyển khí cho Việt Nam từ những năm 2030 trở đi.

Viễn Thông



Leave a Comment

0.0/5