Thông tin được nêu trong báo cáo trả lời chất vấn cử tri tại kỳ họp HĐND tỉnh Đồng Nai, ngày 17/7.
Theo đó, khi nhận được tin trình báo bị lừa đảo hơn 170 tỷ đồng từ bà Giang Hương, công an tỉnh đã phối hợp Bộ Công an điều tra, khởi tố 10 bị can về tội Sử dụng con dấu tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Bước đầu xác định, nhóm tội phạm đã giả danh Phó giám đốc Công an Đồng Nai “gọi điện hù dọa có liên quan đến pháp luật” để lừa đảo. Do tính chất phức tạp của vụ án, liên quan nhiều người nước ngoài… nên công an tỉnh tiếp tục phối hợp Bộ Công an và các tỉnh thành làm rõ.
Trước đó, hồi tháng 3, Chủ tịch huyện Nhơn Trạch trình báo bị nhóm lừa đảo hù dọa, sau đó yêu cầu mở tài khoản để chuyển tiền vào. Do không có số tiền lớn, bà này đã huy động tài chính từ người thân, bạn bè. Tuy nhiên, chỉ trong vài ngày, nhóm tội phạm “bằng nhiều thủ đoạn đã xâm nhập vào tài khoản” rút mất 171 tỷ đồng.
Hiện, bà Giang Hương đã bị cách chức Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch nhiệm kỳ 2021-2026, cách chức Phó bí thư Huyện ủy do không trung thực khi kê khai tài sản, thu nhập. Bà được cho quanh co, đối phó, che giấu nguồn gốc số tiền chưa kê khai, không cung cấp cho tổ xác minh tài sản, thu nhập hồ sơ liên quan việc sở hữu các tài sản đã kê khai.
Liên quan đến tình trạng lừa đảo bằng công nghệ cao, Công an Đồng Nai trong 6 tháng đầu năm đã tiếp nhận 76 vụ (chiếm 60,8% tổng số vụ lừa đảo), tổng số tiền bị chiếm đoạt là trên 325 tỷ đồng. Trong đó đã điều tra, làm rõ bốn vụ, bắt 14 bị can (đạt tỷ lệ 5,06%).
Hình thức lừa đảo chủ yếu là dụ bán hàng online nhận hoa hồng; giả danh công an, cơ quan pháp luật nói bị hại liên quan đến đường dây ma túy và rửa tiền xuyên quốc gia; sử dụng tài khoản Zalo, Telegram lừa tham gia đầu tư các sàn giao dịch ảo, mua tiền điện tử, đầu tư chứng khoán; sử dụng tài khoản Facebook, Telegram gửi quà tri ân khách hàng Lazada…
Tại kỳ họp HĐND sáng nay, trả lời chất vấn của đại biểu, đại tá Nguyễn Hồng Phong – Giám đốc Công an Đồng Nai, cho biết tội phạm công nghệ cao chủ yếu ở nước ngoài, quá trình luân chuyển tiền chiếm đoạt được rất nhanh, các nạn nhân chậm trình báo và cung cấp ít thông tin… khiến việc điều tra, thu hồi tài sản gặp nhiều khó khăn. “Mỗi lần nạn nhân chuyển tiền, nhóm lừa đảo sẽ chuyển hóa ngay lập tức thành tiền điện tử, hoặc đã dùng để mua hàng tại các sàn thương mại trên mạng. Khi nạn nhân trình báo công an thì tiền đã không còn trong tài khoản họ chuyển đến”, đại tá Phong nói.
Người đứng đầu Công an Đồng Nai cũng cho biết, trong thời gian tới công an tỉnh sẽ quyết liệt trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm công nghệ cao; sẽ có đường dây nóng để người dân gọi trình báo ngay từ khi nghi ngờ bị lừa đảo.
Phước Tuấn