Ngày 2/10, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra kết luận điều tra, đề nghị truy tố 17 người trong vụ án Nhận hối lộ, Đưa hối lộ, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Che giấu tội phạm xảy ra tại Thái Nguyên cùng một số tỉnh thành.
Đây là giai đoạn 2 của đại án “chuyến bay giải cứu”, được điều tra từ tháng 6/2023 khi giai đoạn một đang trong thời gian truy tố. Thời gian điều tra cả hai giai đoạn tương đương nhau, 15-16 tháng.
Tại giai đoạn 2, ông Trần Tùng, nguyên phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên, bị đề nghị truy tố hai tội Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
5 người bị đề nghị truy tố về tội Nhận hối lộ, gồm: Nguyễn Văn Văn, nguyên phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam; Lê Ngọc Tường, nguyên phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Nam; Lê Thị Phượng, nguyên chuyên viên Phòng khoa giáo văn xã, Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương; Nguyễn Mạnh Trường, nguyên chuyên viên Phòng vận tải hàng không, Cục hàng không Việt Nam; Trần Thị Quyên, Giám đốc Công ty Sen vàng Đất Việt.
Trong 10 người bị đề nghị truy tố tội Đưa hối lộ có ông Vũ Hồng Quang, cựu phó phòng vận tải hàng không, Cục hàng không Việt Nam; Nguyễn Mạnh Cương.
Người duy nhất trong vụ án bị đề nghị truy tố tội Che giấu tội phạm là ông Nguyễn Xuân Thông, cựu cán bộ công an.
>> Danh sách 17 người bị đề nghị truy tố
Theo kết luận điều tra, sau khi Covid-19 bùng phát, tháng 3/2020, Chính phủ tổ chức một chuyến bay giải cứu đưa 30 công dân Việt Nam từ Vũ Hán, Trung Quốc, về nước. Một tháng sau, Chính phủ tiếp tục tổ chức một số chuyến bay chỉ thu phí vé máy bay và cách ly tại cơ sở quân đội.
Do nhu cầu công dân về nước lớn, trong khi việc cách ly và chi phí gặp khó khăn, Chính phủ đã chỉ đạo, giao tổ công tác 4 Bộ là Ngoại giao, Y tế, Giao thông vận tải, Quốc phòng, quyết định kế hoạch tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước theo tháng, quý. Từ tháng 4/2021 đến 1/2022, thẩm quyền phê duyệt chuyến bay được giao cho 5 bộ (bổ sung thêm Bộ Công an).
Việc tổ chức chuyến bay đưa công dân về nước thực hiện theo ba hình thức. Thứ nhất, chuyến bay do Nhà nước phối hợp tổ chức, gọi là chuyến bay “giải cứu”. Thứ hai, hình thức trọn gói đón công dân Việt Nam về nước bằng kinh phí tự nguyện, gọi là chuyến bay “combo”. Ba là chuyến bay đơn lẻ, phát sinh đột xuất ngoài kế hoạch.
Nhà chức trách cáo buộc, lợi dụng chủ trương đúng đắn và lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, một số cá nhân tại UBND các tỉnh, thành phố đã thỏa thuận đưa, nhận hối lộ. Họ làm trái công vụ để đề xuất chấp thuận chủ trương cho các doanh nghiệp đưa công dân về nước cách ly y tế tại các địa phương. Họ còn lợi dụng vị trí công tác để hướng dẫn, xúi giục người liên quan khai báo gian dối, che giấu tội phạm, gây cản trở điều tra.
Trong đó, bị can Trần Tùng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để thỏa thuận, nhận hối lộ 4,4 tỷ đồng để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương cách ly y tế với ba chuyến bay của ông Lê Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty Nhật Minh. Bị can Tùng còn lợi dụng chức vụ quyền hạn, hưởng lợi bất chính 3,2 tỷ đồng để đề xuất UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương cách ly y tế với 5 chuyến bay của bà Bùi Thị Kim Phụng (đại diện Công ty Fujitravell, Nhật Bản).
Nguyễn Mạnh Cương bị cáo buộc cùng một số người tập hợp hồ sơ các công dân có nhu cần xin về nước và thỏa thuận chi phí chênh lên từ 100 đến 500 USD một người để hưởng lợi. Để có được văn bản chấp thuận cho 388 công dân về nước và hưởng lợi 2 tỷ đồng, Cương đã chuyển 3,8 tỷ đồng cho Vũ Hồng Quang để hối lộ Phạm Trung Kiên, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế.
Tại phiên sơ thẩm xét xử giai đoạn 1 của vụ án chuyến bay giải cứu, cuối tháng 7/203, TAND Hà Nội đã tuyên 54 người phạm một trong các tội: Đưa hối lộ, Môi giới hối lộ, Nhận hối lộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trong đó, 4 người bị phạt tù chung thân là cựu Cục trưởng Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Hương Lan; cựu điều tra viên Cơ quan An ninh điều tra Hoàng Văn Hưng; cựu Phó phòng tham mưu, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an Vũ Anh Tuấn và Phạm Trung Kiên.
Tại phiên phúc thẩm sau đó 5 tháng, bị cáo Hoàng Văn Hưng được giảm từ tù chung thân xuống còn 20 năm tù. HĐXX cho rằng việc bị cáo Kiên nhận hối lộ 42,6 tỷ đồng, Vũ Anh Tuấn nhận 27 tỷ, Hương Lan nhận 25 tỷ đã “gây bức xúc dư luận, cần xử phạt răn đe để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật” nên tuyên y án chung thân.
Phạm Dự