Ngày 31/7, TAND tỉnh Hưng Yên xét xử phúc thẩm vụ kiện giữa nguyên đơn – Công ty Cổ phần nhựa Tuệ Minh, và 2 bị đơn là Công ty TNHH Thiên Ngọc An, Công ty TNHH Nijia Việt Nam.
Theo đơn khởi kiện, năm 2017, Công ty Tuệ Minh do ông Nguyễn Đình Chiến làm giám đốc xin thực hiện dự án nhà máy sản xuất nhựa 40.000 m2 thuộc huyện Yên Mỹ, thuê đất trả tiền hàng năm (loại đất không được chuyển nhượng).
Do quen biết nhau và biết rõ vị trí đất, ông Doãn Huy Tuân (Giám đốc Công ty Thiên Ngọc An) và bà Bùi Kim Xuân (Giám đốc Công ty Nijia) đề nghị Công ty Tuệ Minh chuyển nhượng tổng cộng 13.000 m2 đất. Ba người thống nhất giá chuyển nhượng là 5,5 tỷ đồng/ha (tức 550.000 đồng/m2).
Ông Tuân và bà Xuân sau đó chuyển cho ông Chiến tổng cộng 9,35 tỷ đồng.
Tháng 12/2018, công ty của ông Chiến được cấp hơn 38.000 m2 đất làm dự án. Ngày 18/1/2019, ba người này đại diện 3 công ty ký thỏa thuận 3 bên, ghi nhận việc chuyển nhượng 13.000 m2 đất.
Tuy nhiên, năm 2022, do một công ty giáp ranh khu đất không đồng ý góp đất làm lối đi chung, nên đường vào khu đất 13.000 m2 chỉ rộng 5 m. Cho rằng đường hẹp không đảm bảo PCCC, xe chở hàng đi lại khó khăn, ông Tuân bà Xuân không lấy khu đất này nữa.
Trong năm 2022, 3 người thỏa thuận trên nhóm Zalo, rằng Công ty Tuệ Minh sẽ nhận lại 13.000 m2 đất với giá chuyển nhượng 2,5 triệu đồng/m2. Nhưng ông Chiến sau đó chỉ đồng ý trả lại 9,35 tỷ đồng (tiền ông Tuân bà Xuân đã góp từ 2018), đưa trước 8 tỷ và ra điều kiện chỉ trả số tiền còn lại nếu hai đối tác lập văn bản hủy thỏa thuận 3 bên đã ký tháng 1/2019.
Ông Tuân và bà Xuân không đồng ý, đòi ông Chiến và Công ty Tuệ Minh phải trả theo giá 2,5 triệu đồng/m2 như thỏa thuận trên nhóm Zalo. Công ty Tuệ Minh không đồng ý.
Ông Tuân và bà Xuân do đó làm đơn tố cáo Công ty Tuệ Minh “lừa đảo”, song cơ quan điều tra xác định vụ việc không có dấu hiệu hình sự.
Vụ án sau đó được TAND huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, thụ lý giải quyết theo trình tự vụ kiện tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Theo Công ty Tuệ Minh, ông Tuân và bà Xuân gửi nhiều đơn tố cáo đến sở ngành, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của doanh nghiệp mình. Trong đơn kiện, nguyên đơn đề nghị tòa tuyên Biên bản thỏa thuận 3 bên ngày 18/1/2019 và các thỏa thuận trên nhóm Zalo đều vô hiệu.
Kết quả xác minh của tòa thể hiện, khu đất Công ty Tuệ Minh thuê trả tiền hàng năm chứ không phải đất của doanh nghiệp này, theo Điều 175 Luật Đất đai thì không được chuyển nhượng.
Tại phiên sơ thẩm hồi tháng 1, nguyên đơn cho rằng từ khi ký biên bản thỏa thuận 3 bên, 3 công ty không ký kết hợp đồng chuyển nhượng đất, 13.000 m2 đất do đó không phải của Công ty ông Tuân, bà Xuân.
Đến năm 2022, khi 3 giám đốc thỏa thuận trên nhóm Zalo, đất này vẫn là của Công ty Tuệ Minh, nên ông Tuân, bà Xuân không có quyền bán lại cho Công ty Tuệ Minh. Nội dung tin nhắn trên Zalo không có nội dung mô tả diện tích, thửa đất, vị trí, loại đất.
Trong khi đó, hai bị đơn cho rằng, do Công ty Tuệ Minh nhận thấy khu đất là dự án trả tiền thuê đất hàng năm, việc chuyển nhượng đất là khó khăn nên chính Công ty Tuệ Minh đề xuất mua lại 13.000 m2 này. Ba công ty chốt thỏa thuận trên nhóm Zalo giá 2,5 triệu/m2. Khi Công ty Tuệ Minh trả được 8 tỷ đồng thì không trả tiếp, mà kiện họ ra tòa.
Ngoài ra, hai bị đơn phản tố, đề nghị HĐXX tuyên Biên bản thỏa thuận 3 bên và các thỏa thuận trên nhóm Zalo là có hiệu lực pháp luật; yêu cầu Công ty Tuệ Minh trả đủ 24,5 tỷ đồng cho 13.000 m2 đất.
Quá trình xét xử, Công ty Tuệ Minh nói tự nguyện hỗ trợ 2 công ty bị đơn thêm 1 tỷ đồng, song họ khẳng định “dù thế nào cũng không nhận”.
Theo tòa, biên bản thỏa thuận ba bên chỉ có chữ ký 3 giám đốc Chiến, Xuân, Tuân; đóng dấu của 3 công ty, nhưng không có công chứng hoặc chứng thực. Theo Bộ luật Dân sự và Luật đất đai, hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thể chấp phải được công chứng hoặc chứng thực và đất phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng. Vì thế, HĐXX xác định biên bản này vừa vi phạm về hình thức, vừa vi phạm về nội dung và vi phạm điều kiện chuyển nhượng đất.
Ngoài ra, đất dự án của Công ty Tuệ Minh là đất thuê trả tiền thuê hàng năm, không được chuyển nhượng quyền sử dụng, nên biên bản cũng vi phạm điều cấm của pháp luật, vi phạm về hình thức, đối tượng của hợp đồng không thể thực hiện được.
Từ đó, HĐXX tuyên biên bản thỏa thuận 3 bên là vô hiệu. Hai bị đơn không có quyền với 13.000 m2 đất. Về các thỏa thuận giữa 3 giám đốc trên nhóm Zalo, tòa cũng tuyên vô hiệu, vì khi đó đất không thuộc quyền sử dụng của 2 bị đơn.
Tòa sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bác toàn bộ yêu cầu phản tố của 2 bị đơn. Công ty Tuệ Minh chỉ phải trả nốt 1,35 tỷ đồng cho 2 bị đơn.
Do thua kiện, hai bị đơn còn phải nộp 240 triệu đồng án phí.
Doanh nhân nước ngoài kiến nghị được tham gia vụ án
Sau phiên tòa sơ thẩm, vụ án xuất hiện thêm cá nhân thứ tư là doanh nhân quốc tịch Trung Quốc, ông Qiu Rongyou.
Theo đơn kiến nghị gửi tòa hồi tháng 6, ông này cho biết đã góp 1,2 tỷ đồng cùng bà Xuân để nhận chuyển nhượng 13.000 m2 đất. Ông Qiu trình phiếu thu do kế toán của Công ty Tuệ Minh lập, xác nhận đã nhận 1,2 tỷ đồng của ông Hiếu Xuân (tên tiếng Việt củ ông Qiu).
Ông Qiu cũng khẳng định mình là một trong 4 thành viên của nhóm chat Zalo, có tham dự việc thỏa thuận giá đất, do đó đề nghị được TAND phúc thẩm triệu tập với vai trò người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
“Tòa cấp sơ thẩm không xem xét giải quyết quyền lợi hợp pháp của tôi đối với số tiền 1,2 tỷ đồng”, ông Qiu Rongyou trình bày và đề nghị tòa xem xét nội dung này.
Công ty Nija ngoài kháng cáo phán quyết của TAND huyện Yên Mỹ, còn cho rằng vụ kiện có yếu tố người nước ngoài, không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa cấp huyện.
Thanh Lam