VKSND Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố bà Trương Mỹ Lan và 33 người về các hành vi lừa đảo 30.081 tỷ đồng, rửa tiền 445.747 tỷ và vận chuyển trái phép 4,5 tỷ USD qua biên giới.
Ở tội Rửa tiền, cơ quan điều tra cáo buộc, từ tháng 1/2018 đến tháng 10/2022, bà Lan và đồng phạm đã chiếm đoạt tổng cộng 445.700 tỷ đồng từ hành vi Tham ô tài sản 415.600 tỷ đồng (đã bị xét xử ở giai đoạn một vụ án) và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (30.081 tỷ đồng). Để hợp pháp hóa toàn bộ số tiền này, bà Lan đã chỉ đạo những người thân tín lên phương án rút, chuyển tiền khỏi hệ thống Ngân hàng SCB.
Những người này là: Nguyễn Phương Hồng (Phó tổng giám đốc SCB, đã chết); Trương Khánh Hoàng (cựu quyền Tổng giám đốc SCB); Trần Thị Mỹ Dung (cựu phó tổng giám đốc SCB); Nguyễn Ngọc Dương (Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula); Nguyễn Phương Anh (cựu phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula) và Trịnh Quang Công (Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn quản lý Acumen).
Đường đi của dòng tiền ‘bẩn’
Việc rút tiền mặt chủ yếu thực hiện tại SCB Chi nhánh Sài Gòn. Cụ thể, bà Lan chỉ đạo Hồng, Hoàng, Dung, Anh lập danh sách pháp nhân, cá nhân nhận tiền, rút tiền. Thái Thị Thanh Thảo (Giám đốc Phòng dịch vụ khách Wholesale, ngân hàng SCB Chi nhánh Sài Gòn) được giao phối hợp với Nguyễn Phương Anh thực hiện.
Phương Anh chỉ đạo nhân viên kế toán lập ủy nhiệm chi, giấy rút tiền và chuyển cho Thảo thông tin về pháp nhân nhận tiền, cá nhân rút tiền để lập các chứng từ hoàn tất thủ tục rút tiền mặt. Tiếp đó, Thảo hẹn các cá nhân được thuê đến SCB ký chứng từ rút tiền.
Sau khi hoàn tất thủ tục rút tiền, Thảo báo cho Trần Thị Thúy Ái (Kiểm soát viên ngân quỹ SCB Chi nhánh Sài Gòn) để xuất tiền mặt rồi giao cho Bùi Văn Dũng (lái xe của bà Lan) tại hầm trụ sở ngân hàng.
Dũng chở tiền về tòa nhà Sherwood tại số 127 Pasteur, quận 3, TP HCM, giao cho Trần Thị Hoàng Uyên (thư ký của bà Lan); hoặc vận chuyển về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (193-203 Trần Hưng Đạo, quận 1) giao cho Trần Xuân Phượng (trợ lý của Ngô Thanh Nhã – Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát, em dâu bà Lan). Một số lần khác Dũng trực tiếp chuyển tiền cho các cá nhân mà bà Lan chỉ đạo.
Về phần Uyên và Phượng, sau khi nhận tiền từ Dũng đã tiếp tục giao cho các cá nhân theo chỉ đạo của bà Lan.
Khi chưa cần sử dụng tiền mặt ngay, bà Lan yêu cầu Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung phối hợp với Nguyễn Phương Anh sử dụng pháp nhân, cá nhân mở tài khoản tại SCB để nhận tiền, chuyển tiền đến tài khoản “chờ”. Khi cần sử dụng, những người này sẽ lập phương án chuyển tiền lòng vòng giữa các tài khoản, cuối cùng đến tài khoản do bà Lan chỉ định.
Theo cáo trạng, sau khi “cắt đứt” dòng tiền, bà Lan rút tiền mặt chuyển cho các cá nhân 15.143 tỷ đồng; chi thực hiện dự án 1.800 tỷ đồng; trả nợ giữa các công ty, cá nhân trong Vạn Thịnh Phát (vay mượn nhau) 48.430 tỷ đồng; trả cho các ngân hàng ngoài SCB 7.600 tỷ đồng; chi trả các khoản vay tại SCB 183.228 tỷ đồng; chuyển cho SCB Cầu Giấy 356 tỷ đồng (chủ yếu để mua USD); trả gốc và lãi các gói trái phiếu đã phát hành 1.690 tỷ đồng; chuyển tiền ra nước ngoài 32.164 tỷ đồng; “chi cá nhân và khoản khác” 8.000 tỷ đồng.
Như vậy, cơ quan điều tra đã xác định “đích đến” của 298.311 tỷ đồng, riêng số tiền còn lại 147.436 tỷ đồng bà Lan “sử dụng cho mục đích khác”.
Quá trình điều tra, hồi tháng 9/2023, Bộ Công an đã có công văn yêu cầu tương trợ tư pháp gửi Tổng chưởng lý quần đảo British Virgin, Tổng chưởng lý quần đảo Cayman thuộc Vương Quốc Anh và Cục Tư pháp khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) phối hợp xác minh về pháp lý 11 tổ chức nước ngoài; giám đốc đại diện pháp luật của 11 tổ chức nước ngoài liên quan đến vụ án.
Đặc biệt, nhà chức trách cũng cần làm rõ mối quan hệ của 11 tổ chức này với bà Trương Mỹ Lan và chồng Chu Lập Cơ (Chu Nap Kee Eric, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Quảng trường thời đại Times Square); mối quan hệ giữa các công ty nêu trên với tổ chức, cá nhân tại Việt Nam… Tuy nhiên, đến nay Bộ Công an chưa nhận được kết quả.
Trong vụ án này, ông Chu Lập Cơ bị cáo buộc giúp vợ “rửa” 33,3 tỷ đồng phạm pháp thông qua 3 thẻ thanh toán (Visa, Master) tại SCB.
Từ năm 2018 đến 2022, khi sinh sống tại Việt Nam và ra nước ngoài, ông đã chi tiêu 225 tỷ đồng bằng các thẻ tín dụng này. Trong đó có 31,9 tỷ đồng là tiền tham ô tài sản, các khoản vay khống chưa được tất toán và 1,3 tỷ đồng có nguồn gốc lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua phát hành và bán trái phiếu công ty An Đông. Quá trình điều tra, ông Cơ thừa nhận hành vi.
Đối với tài xế Bùi Văn Dũng, cáo trạng xác định, khi được giao đến SCB Chi nhánh Sài Gòn để nhận tiền và chuyển cho các cá nhân, đơn vị thì ông này đều ghi chép vào sổ tay cá nhân. Riêng từ tháng 2/2019 đến tháng 9/2022, Dũng đã nhận, vận chuyển 108.878 tỷ đồng và 14.000 USD; trong đó có 6.330 tỷ đồng là tiền có nguồn gốc do bà Lan phạm tội mà có.
Ngoài ra, thư ký Trần Thị Hoàng Uyên bị cáo buộc từ tháng 3/2019 đến tháng 8/2022 đã nhận từ Dũng 5.824 tỷ đồng, chuyển cho các cá nhân theo chỉ đạo của bà Lan. Em dâu bà Trương Mỹ Lan là Trần Xuân Phượng nhận từ Dũng 325 tỷ đồng từ nguồn bán trái phiếu Công ty An Đông, dùng hết vào “mục đích cá nhân” bà Lan và Ngô Thanh Nhã.
Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát rất lớn, phức tạp, số lượng bị can nhiều nên Bộ Công an phải tách thành hai giai đoạn điều tra.
Ở giai đoạn đầu, bà Trương Mỹ Lan bị xác định trong 10 năm thâu tóm SCB đã chỉ đạo đồng phạm giải ngân cho nhóm công ty trong Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tổng cộng hơn 2.500 khoản vay. Đến tháng 10/2022, nhóm bà Lan và Vạn Thịnh Phát còn gần 1.300 khoản vay dư nợ 677.000 tỷ đồng gốc và lãi.
Hồi tháng 4, TAND TP HCM đã tuyên phạt bà Lan 20 năm tù về tội Đưa hối lộ; 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và tử hình về tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt, bị cáo phải chấp hành án tử hình.
Sau phiên tòa sơ thẩm, bà Lan và hàng loạt bị cáo, người liên quan kháng cáo.