Chiều 26/4, VKSND TP HCM truy tố bà Nguyễn Phương Hằng (52 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, theo khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt 2-7 năm tù.
4 người bị truy tố với vai trò đồng phạm của bà Hằng gồm: tiến sĩ luật Đặng Anh Quân (cựu giảng viên Đại học Luật TP HCM); Nguyễn Thị Mai Nhi (40 tuổi, trợ lý của bà Hằng); Lê Thị Thu Hà (31 tuổi, nhân viên Công ty Đại Nam) và Huỳnh Công Tân (29 tuổi, Trưởng phòng Truyền thông Công ty Đại Nam).
Mới đây, ông Nguyễn Hữu Toàn, anh trai bà Hằng đã gửi đơn đến công an và VKS tiếp tục xin đặt tiền bảo lãnh cho em được tại ngoại trong quá trình chờ tòa xét xử.
Theo ông Toàn, tội danh em gái bị cáo buộc không phải loại tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng – thuộc trường hợp phải tạm giam để điều tra, truy tố, xét xử. Hiện, em ông đã nhận thức được sai phạm, cam kết không tiếp tục tái diễn hành vi livestream làm ảnh hưởng đến các cá nhân, an ninh trật tự môi trường mạng.
Về nhân thân, bà Hằng có địa chỉ cư trú rõ ràng, chưa từng có tiền án, tiền sự, bản thân lại đang bị nhiều bệnh phải điều trị thường xuyên như: cao huyết áp, rối loạn lo âu, mất ngủ kéo dài… “Việc tạm giam ảnh hưởng rất nhiều đến tình trạng sức khỏe của em tôi. Trong thời gian vừa qua, em tôi một lần được đưa đi cấp cứu và được chuẩn đoán mắc bệnh u xơ tử cung, rối loạn tiền đình, trầm cảm…”, ông Toàn nêu trong đơn.
Hồi tháng 10 năm ngoái, anh Nguyễn Quang Tuấn (30 tuổi, con trai bà Hằng) từng làm đơn xin đặt 10 tỷ đồng để bảo lĩnh mẹ được tại ngoại ngoại nhưng không được chấp nhận.
Cáo trạng xác định, bà Hằng đã sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội để livestream, phát ngôn xâm phạm bí mật đời tư, ảnh hưởng uy tín, danh dự của 10 cá nhân gồm nghệ sĩ Hoài Linh; ca sĩ Vy Oanh, Ðàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên; nhà báo Ðặng Thị Hàn Ni, ông Nguyễn Đức Hiển (Phó tổng biên tập Báo Pháp luật TP HCM); bà Lê Thị Giàu; Trương Thị Việt Hà và Đinh Thị Lan .
Quá trình điều tra, bà Hằng thừa nhận các thông tin nói về những người này chưa được kiểm chứng. Nguyên nhân bà làm vậy là những người này đã có những phát ngôn xúc phạm mình, người thân và quỹ từ thiện do bà thành lập.
Trong nhiều buổi livestream, bà Hằng mời tiến sĩ luật Đặng Anh Quân tham gia với vai trò cố vấn pháp lý để tăng độ tin cậy cho những phát ngôn của mình. Khi bà Hằng phát ngôn xúc phạm người khác thì Đặng Anh Quân tương tác, phát ngôn về nội dung liên quan. Cơ quan công tố xác định, ông Quân đã tham gia livestream cùng bà Hằng 11 buổi (từ tháng 10/2021 đến 3/2022) góp phần cổ vũ về tinh thần, tiếp thêm ý chí cho Hằng thực hiện hành vi phạm tội.
Những người còn lại được giao nhiệm vụ lập nhiều tài khoản TikTok; trang Fanpage để thông báo lịch livestream, đặt máy quay, phát sóng trực tiếp, đăng tải bài viết lên các kênh…
Được xác định là bị hại trong vụ án, vợ chồng Thủy Tiên yêu cầu bà Hằng và đồng phạm bồi thường tổn thất vật chất là gần 31 tỷ đồng, đề nghị cơ quan tố tụng kê biên tài sản của bà Hằng tại TP HCM để đảm bảo thi hành án.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đòi bồi thường về vật chất hơn 43 tỷ đồng. Nghệ sĩ Hoài Linh, ca sĩ Vy Oanh, nhà báo Đức Hiển, bà Lê Thị Giàu, Trương Thị Việt Hà không đòi bồi thường, chỉ yêu cầu bà Hằng cùng đồng phạm xin lỗi do có các phát ngôn xúc phạm. Nhà báo Hàn Ni yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Riêng bà Đinh Thị Lan không yêu cầu.
Ngoài vụ án này, Công an TP HCM cũng bắt tạm giam nhà báo Ðặng Thị Hàn Ni, luật sư Trần Văn Sỹ về cùng tội danh, sau khi xác minh đơn tố giác tội phạm của ông Huỳnh Uy Dũng và bà Hằng. Họ bị cáo buộc cố ý đăng tải nhiều đoạn ghi hình trên YouTube với các nội dung chưa được kiểm chứng, những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư. Các nội dung đăng tải trên đã thu hút hàng trăm nghìn lượt xem và bình luận, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, xâm phạm quyền cơ bản của công dân.
Hải Duyên